Khi xác định virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, đến giữa tháng 3/2020, nhiều quốc gia đã quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan của virus. Vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Đến tháng 4/2020, khoảng một nửa dân số thế giới thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.
Nhìn lại sự kiện tại thời điểm này cách đây 5 năm, hầu hết các quốc gia đã đóng cửa trường học, nhà hàng, những cơ sở giải trí và các địa điểm tập trung đông người khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng phải cho nhân viên làm việc từ xa, dẫn đến sự chuyển đổi nhanh chóng sang môi trường làm việc trên không gian mạng, sự nở rộ của các văn phòng trực tuyến, phòng họp ảo...
Theo Reuters, cô giáo Alexa Callander làm việc tại Trường tiểu học Rover ở Tempe, bang Arizona (Mỹ), nhớ lại buổi dạy trực tuyến cho học sinh khi các em đang ở nhà. Lớp học online đã kéo dài trong hơn hai tháng khi trường học áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc. Không chỉ ở Mỹ, trên khắp thế giới, những biện pháp phong tỏa đã gây ra thay đổi lớn, mỗi người tuân thủ việc giữ khoảng cách xã hội, hạn chế tiếp xúc với người khác. Các hoạt động xã hội thông thường, dù là ngoài trời hay ở địa điểm công cộng trong nhà, đều bảo đảm theo quy định về sức khỏe trong đại dịch.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới do hạn chế hoạt động kinh tế và giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thay đổi tích cực, tình trạng sức khỏe tâm thần và vấn đề sức khỏe khác cũng được ghi nhận là hệ quả tiêu cực của thời gian phong tỏa kéo dài. Một số ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, hàng không và dịch vụ giải trí. Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều kể từ những ngày đầu của đại dịch, và những tác động này vẫn còn tồn tại lâu dài trong xã hội.
Anh Marzio Toniolo, người dân tại thị trấn San Fiorano, một trong những nơi đầu tiên phong tỏa ở miền bắc Italy chia sẻ: “Không ai muốn dịch bệnh quay lại, nhưng kể từ đó tới nay chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp như vậy”. Trong khi đó, Flo Dowler, 35 tuổi, sống tại Fulham, London (Anh) đã chọn làm công việc huấn luyện viên sức khỏe cá nhân từ sau đại dịch. Cô cho rằng công việc này cho phép cô tối ưu thời gian làm việc và có thu nhập tốt hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe tăng lên.
Theo Bloomberg, nhiều mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới xuất hiện nhấn mạnh hơn vào các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc từ xa kể từ sau Covid-19. Song trên hết, sự kiện phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật yêu cầu ứng phó tại chỗ, đặc biệt trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Bài học này không chỉ áp dụng với điều kiện dịch bệnh mà còn với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, thảm họa.
Giáo sư Mary A Fox tại Khoa Chính sách và quản lý y tế, Trường Y tế công cộng Bloomberg thuộc Trường đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng đại dịch đã chỉ ra tầm quan trọng của năng lực ứng phó khủng hoảng ở cấp độ địa phương và cơ sở. Các quốc gia được khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế và đào tạo nhân viên y tế để họ có thể đối phó tốt hơn những trường hợp khẩn cấp.
Hiện nay, trong bối cảnh phải chuẩn bị ứng phó với những thảm họa thiên tai và thời tiết cực đoan, Giáo sư Mary A Fox nhấn mạnh: “Việc rút kinh nghiệm từ những thành công cũng như thất bại trong ứng phó với đại dịch sẽ cung cấp một số hướng dẫn, đưa ra những bài học ban đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Nhìn lại sự kiện cách đây 5 năm trong tình huống thảm họa thiên tai như trận động đất mạnh vừa qua tại Myanmar, yêu cầu của hệ thống phản ứng khẩn cấp tại chỗ càng trở nên quan trọng, phù hợp các thách thức trong tương lai bao gồm những vấn đề sức khỏe mới nổi và thảm họa thiên tai.