Cú sốc chưa từng có

Ngày 25/4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo về tình trạng an ninh lương thực thế giới hiện nay, cho thấy lạm phát giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: ISTOCK PHOTO
Nguồn: ISTOCK PHOTO

AP dẫn dữ liệu báo cáo cho hay, trong thời gian từ tháng 12/2022-3/2023, lạm phát giá lương thực hơn 5% được ghi nhận ở 70,6% các quốc gia thu nhập thấp, 90,9% các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và 87,0% các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Khoảng 84,2% các quốc gia có thu nhập cao đang đối mặt lạm phát giá lương thực ở mức cao. Dữ liệu cho thấy các nước ở châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ latin, Nam Á, châu Âu và Trung Á đối mặt tình trạng lạm phát giá lương thực cao nhất.

Theo WB, việc nhiều nước siết chặt thêm chính sách thương mại sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên trầm trọng. Báo cáo của WB cho biết, tính đến ngày 13/3, có 23 nước đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 10 nước áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu. Hiện có 29 lệnh cấm và 14 lệnh hạn chế đang được các nước trên thực thi.

Trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung trên các thị trường lương thực đang đẩy giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các nước nghèo, ngày 22/4 vừa qua, các Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp nhằm tìm kiếm giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực ổn định. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mọi nỗ lực của G7 sẽ cần nhiều thời gian mới có thể tạo ra thay đổi tích cực, trong khi các nước nghèo đang cần được hỗ trợ khẩn cấp.

Các tổ chức quốc tế, bao gồm WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, cảnh báo rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một “cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu”. Hàng chục quốc gia đang trải qua lạm phát ở mức hai con số, trong khi 349 triệu người trên 79 quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều quốc gia được xác định là “điểm nóng về nạn đói” nằm ở châu Phi.