Ðể có biểu tượng thiêng liêng này, ngoài sự đóng góp sức của các dân tộc anh em sống trên vùng đất cực bắc thì ông Hùng Ðình Quý, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn được nhiều người coi là người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng cột cờ Lũng Cú thật to đẹp.
Gặp gỡ chúng tôi ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, ông Hùng Ðình Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn và cũng là tác giả của cột cờ Lũng Cú bằng cây thông cách đây hơn 30 năm về trước đã không giấu được xúc động. Sinh năm 1937 tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, người đàn ông dân tộc Mông này đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng từ khi mới tròn mười hai tuổi và nhanh chóng trưởng thành. Ba mươi bảy tuổi, ông đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ðồng Văn, một huyện biên giới còn rất nhiều khó khăn.
Dẫu đã dành cả cuộc đời mình gắn bó với vùng cao nguyên đá mênh mông, khắc nghiệt, cuộc đời đã chứng kiến nhiều đổi thay, nhiều sự kiện trọng đại đến với nhân dân Ðồng Văn nhưng ông không bao giờ quên được ký ức đáng trân trọng về những tháng ngày làm đường lên Lũng Cú. Ông bảo, hồi ấy tôi tủi thân lắm vì lúc nào cũng chỉ thấy người ta nhắc đến câu thơ "Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái" của nhà thơ Tố Hữu, trong khi xét về góc độ địa lý thì Lũng Cú mới chính là "nóc nhà" của Tổ quốc. Thế là Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện họp lại để đề ra chủ trương làm một con đường lên Lũng Cú. Nói theo tâm thức, con đường ấy sẽ nối liền một dải với mũi Cà Mau, còn giá trị trước mắt thì đó sẽ là con đường thông thương, giao lưu qua lại giữa những xã, bản cuối cùng này với các vùng miền khác.
Năm 1977, nhân dân mười chín xã trong huyện nô nức ra quân làm mười ba ki-lô-mét đường, bắt đầu từ xã Ma Lé. Việc làm đường của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ðồng Văn cũng hết sức đặc biệt. Nhằm bảo đảm tiến độ thi công, huyện giao định mức cho mỗi xã làm 800 m đường, xã lại giao định mức cho mỗi hộ dân làm từ hai đến bốn mét. Vậy là toàn dân Ðồng Văn đổ lên Ma Lé. Mỗi gia đình chỉ để lại người già và trẻ con ở lại giữ nhà, còn tất cả đều gùi cuốc xẻng, quần áo, lương thực ra bám đường. Từng nhà dựng một chòi tạm ngay sát khu vực đường mà mình được phân công, làm ngày làm đêm không nghỉ. Khúc đường của gia đình này dần nối với khúc đường của gia đình kia. Ai nấy cũng cố gắng làm sao để khúc đường nhà mình làm không thua kém người bên cạnh. Miệt mài suốt gần hai tháng ròng như thế con đường cuối cùng cũng đã hoàn thành.
Có đường rồi, ông Quý lại nghĩ và đề xuất đến việc cho cắm một lá cờ thật lớn trên đỉnh núi Rồng để bà con khắp nơi về dự lễ thông xe có thể nhìn thấy. Núi Rồng là điểm cao cực Bắc đầu tiên giáp với nước bạn Trung Quốc, cho nên trước đây chính quyền huyện đã cho cắm một cột cờ trên đó. Tuy nhiên cột cờ này rất bé, phải đi lên tận đỉnh núi mới có thể thấy. Ðể có cột cờ to đẹp hơn, huyện đã chỉ đạo xã Lũng Cú chọn ra hai mươi thanh niên khỏe mạnh nhất vào rừng tìm chặt một cây thông cao gần mười hai mét để làm cột cờ. Ông Lờ Giàng Say ở bản Lô Lô Chải, một trong số hai mươi thanh niên đã tham gia khênh cột cờ bằng gỗ ngày ấy nhớ lại ngày đó chưa có đường lên đỉnh núi Rồng. Ðể mang được cột cờ lên người dân Lũng Cú đã phải huy động hết thanh niên các bản thay nhau ghé vai đưa cột cờ vượt dốc, người kéo người đẩy mãi mới tới được vị trí thượng cờ.
Ông Hùng Ðình Quý nói với chúng tôi rằng, ngày ấy người dân Ðồng Văn coi lá cờ là nơi gửi gắm niềm tin của mình tới Ðảng, tới Bác Hồ. Nếu là niềm vui, họ nhìn lên đỉnh núi Rồng, nhìn mầu cờ thắm tươi để chia sẻ, để có thêm nghị lực phấn đấu. Nếu là nỗi buồn, nhìn lá cờ bay, bà con cũng thấy được phần nào an ủi, rồi từ đó cái buồn cũng dần đi để lòng người phấn chấn hơn.
Vào những năm 1992, 2000 và 2002 sau đó, cột cờ Lũng Cú tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Gần đây nhất, để cột cờ Lũng Cú xứng đáng là niềm kiêu hãnh của quân dân cả nước, năm 2010, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã khởi công xây dựng và nâng cấp cột cờ với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng, mô phỏng theo mô hình cột cờ Hà Nội. Ngày 25-9-2010, nhiều người dân trong nước đã đổ về Lũng Cú tham dự lễ khánh thành cột cờ và để tận mắt chứng kiến lễ thượng cờ thiêng liêng. Cột cờ mới có chiều cao 33,15 m, được thiết kế hình bát giác, chung quanh thân cột gắn hình tám mặt trống đồng Ðông Sơn và dưới chân cột cờ là tám tấm phù điêu đá xanh được chạm khắc công phu, minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước cùng các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, quần thể cột cờ Lũng Cú còn có các hạng mục kiến trúc khác gồm: Nhà lưu niệm được thiết kế như nhà sàn. Ðường lên xuống đi bộ từ nhà khách lên nhà lưu niệm với tổng 425 bậc thang và đường đi bộ từ nhà lưu niệm đến cột cờ với tổng số 279 bậc thang có hệ thống tay vịn và đèn chiếu sáng... Mọi thứ đều được xây dựng lại quy mô hơn, vững vàng, bề thế hơn nhưng riêng vị trí và diện tích lá cờ rộng sáu mét, dài chín mét do ông Hùng Ðình Quý "khai sinh" ra ban đầu, cách đây gần 33 năm vẫn còn giữ mãi.
Ðồng Văn, vùng đất đang có những dự án đầu tư phát triển du lịch, làng nghề truyền thống, vùng dược liệu trên Công viên địa chất toàn cầu (gồm Quản Bạ, Ðồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh). Rồi đây, cuộc sống của bà con các dân tộc trên cao nguyên Ðồng Văn sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhưng có một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi, ấy chính là mầu cờ luôn tỏa sáng trên đỉnh núi Rồng sẽ luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt.