Công bố phương thức tuyển sinh đại học sớm

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2024, trong đó có các phương án xét tuyển để thí sinh chủ động trong việc học tập, ôn luyện.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh nhập học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh nhập học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giữ ổn định chỉ tiêu, phương thức xét tuyển

Tại Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc cho biết, năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm, dự kiến sẽ công bố trong quý I năm 2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề vào học.

Theo đó, về cơ bản, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy và xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.

Theo PGS, TS Nguyễn Phong Điền, công tác truyền thông tuyển sinh sẽ được phân tích sâu hơn trên nền tảng dữ liệu. Hiện tại, cơ sở vật chất của ĐH Bách khoa Hà Nội ngày càng được nâng cao. Song song với truyền thông xét tuyển, ĐH sẽ tăng cường truyền thông Kỳ thi đánh giá tư duy, tạo thêm nguồn cho các ngành và chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là những bước đi để vừa làm tốt cho công tác tuyển sinh năm 2024, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho tuyển sinh 2025.

Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân giữ ổn định chỉ tiêu, phương thức xét tuyển như năm ngoái, trong đó khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp tăng lên 80%, tuyển thẳng 2%. Dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường (các trường trực thuộc đơn vị).

Dự kiến, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong hai đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 vào ngày 2/6. Kỳ thi được tổ chức tại 23 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Phước và Tây Ninh.

Năm 2024, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh giữ định hướng tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây, trong đó phương thức kết hợp là phương thức chủ đạo. Phương thức này kết hợp đánh giá thí sinh với ba yếu tố gồm học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học THPT), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ - đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức chiếm tỷ trọng cao nhất.

Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh các phương thức khác bao gồm như: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo danh sách các trường THPT trong cả nước. Bên cạnh đó, trường xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài cho chương trình chuyển tiếp quốc tế.

Khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh

Về phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với số môn thi là bốn (hai môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và hai môn lựa chọn), TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải nhận định rằng, để đánh giá và lựa chọn phương án trên, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đánh giá trên nhiều yếu tố, phương diện như: Giảm áp lực thi cử đối với học sinh; tiết kiệm chi phí cho gia đình, học sinh và xã hội; bảo đảm để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển.

Cụ thể, phương án 2+2 như Bộ GD&ĐT công bố đã bảo đảm tốt các phương diện giảm áp lực, tiết kiệm chi phí và cơ bản đáp ứng được phương diện xét tuyển đại học (nhưng chưa hẳn là ưu việt nhất nếu nhìn về phương diện tổ hợp xét tuyển). Phương án 2+2 sẽ có bốn bài thi theo môn, thay vì bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Theo tôi, đây là cơ hội để cơ cấu lại thời gian thi, nội dung thi mỗi môn, nhằm tăng cường chất lượng các môn phục vụ xét tuyển.

Nhìn tổng thể thì đây là phương án tốt nhất trong các phương án Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Thanh Hà, phương án này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH nói chung. Nếu nhìn từ phía các cơ sở giáo dục ĐH thì phương án 2+2 có thể tạo ra đủ số tổ hợp phủ toàn bộ các tổ hợp truyền thống đã sử dụng như những năm trước đây. Các trường có thể không cần điều chỉnh tổ hợp xét tuyển. Còn từ phía thí sinh phương án này cũng có hạn chế trong xét tuyển. Thí dụ, năm trước thí sinh thi tốt nghiệp gồm các môn Văn, Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì khối tự nhiên các em sẽ có ít nhất bảy tổ hợp truyền thống để xét tuyển như: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh)...

Trong khi đó theo phương án 2+2 thí sinh chỉ có từ một - hai tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Thí dụ như thí sinh chọn hai môn lựa chọn là Hóa học, Sinh học thì chỉ có một tổ hợp là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học). Nếu học sinh chọn tiếng Anh, Vật lý thì có hai tổ hợp là D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh). Như vậy, các trường có thể giữ ổn định các tổ hợp xét tuyển như năm trước, nhưng thí sinh có thiệt thòi, đặc biệt là các em giỏi toàn diện, vì số lượng tổ hợp xét tuyển của mỗi em là rất hạn chế.

Hiện tại, với phương án 2+2 các trường hoàn toàn có thể giữ ổn định tổ hợp xét tuyển như năm trước. Tuy nhiên, các trường vẫn cần thêm thời gian để đánh giá sâu thêm. Từ đó có các quyết định toàn diện về phương thức tuyển sinh và đặc biệt là các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025 nhằm bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia xét tuyển. Theo đó, việc công bố phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh càng sớm càng tốt để các em có định hướng học tập ngay từ đầu cấp THPT.

“Một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay là không được tiếp cận số lượng thí sinh đăng ký học các tổ hợp tự chọn ở bậc THPT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) theo từng tỉnh, thành phố và toàn quốc. Nếu Bộ GD&ĐT công bố dữ liệu này hằng năm thì rất thuận lợi cho các trường trong việc phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định”, TS Phạm Thanh Hà đề xuất.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH và các trường cao đẳng sư phạm nhanh chóng hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018…