CHUYÊN ĐỀ: “NGƯỜI TRẺ KỂ CHUYỆN HY SINH”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt

Cảm thấy vẫn mắc nợ; kỳ vọng nhiều hơn vào thế hệ trẻ; vẫn muốn trở lại và đến nhiều hơn với chiến trường xưa và nghĩa trang liệt sĩ; nung nấu những ý định sáng tạo mới; gợi ý về những đề tài điểm nhấn, những hoạt động hỗ trợ sáng tác cần thúc đẩy…, đó là chia sẻ với Thời Nay của nhiều văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ. Đặc biệt là cái nhìn gợi mở về phía trước của các tác giả trẻ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh:

“Món nợ tinh thần vẫn còn”

Về đề tài thương binh, liệt sĩ và chiến tranh cách mạng, với lĩnh vực điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, tôi thấy chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng chưa phản ánh đầy đủ đời sống cách mạng, công cuộc cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đó cũng là món nợ tinh thần của những người làm điện ảnh với đất nước, với những người đã hy sinh, với công chúng. Có lần, sang bên Mỹ, trước khi chuẩn bị làm phim “Đừng đốt”, tôi gặp ông sĩ quan Mỹ - người đã giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm. Tôi hỏi: “Trong 35 năm, hẳn ông đã đọc nhiều lần, vậy ấn tượng nhất với ông là gì?”. Không do dự, ông ta liền đọc bằng tiếng Việt cho tôi nghe hai câu thơ trong cuốn nhật ký: “Và ai có biết chăng ai/Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”. Tôi cảm ơn và không hỏi thêm gì nữa. Tôi hiểu ra rằng, điều mà bao thương binh, liệt sĩ chinh phục người phía bên kia là tình thương yêu con người. Sức mạnh tinh thần ấy làm kẻ thù phải cảm phục. Mà tình cảm của con người thì dân tộc nào cũng giống nhau.

Họa sĩ Công Quốc Hà:

“Mong thế hệ trẻ sáng tạo hơn nữa về đề tài đặc biệt này”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 1

Chúng tôi luôn dành những tình cảm cao quý để sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ, nhằm tôn vinh và giáo dục cho thế hệ trẻ biết tới sự hy sinh to lớn của cha anh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tại các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, chuyến thực tế…, anh chị em văn nghệ sĩ đều đau đáu đóng góp bằng tác phẩm của mình, ngợi ca vẻ đẹp trong cuộc sống, trong rèn luyện thao trường, những tấm gương quên mình bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Dấu ấn ấy thể hiện qua chặng đường mỹ thuật đầy thành tựu với những tác phẩm hội họa xuất sắc, các tác phẩm điêu khắc đã được đặt tại nhiều quảng trường, công viên. Điều này luôn nhắc nhở toàn dân và thế hệ trẻ sáng tạo hơn nữa về đề tài đặc biệt này.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai:

“Mong nhiều cuộc giao lưu văn nghệ sĩ với thương binh, bệnh binh”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 2

Chúng tôi rất quan tâm đến việc làm thế nào để văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có chất lượng, có chiều sâu về đề tài thương binh, liệt sĩ. Nhiều chuyến đi thực tế sáng tác được tổ chức, đặc biệt là các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tập trung sáng tác về đề tài đón các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia về với đất mẹ. Nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài thương binh đã đạt được nhiều huy chương trong và ngoài nước. Tôi luôn khao khát tổ chức được những chương trình giao lưu giữa văn nghệ sĩ và các thương binh, bệnh binh để có thêm nhiều tư liệu quý; tổ chức nhiều hơn các chuyến đi thực tế sáng tác đến vùng căn cứ cách mạng, tìm hiểu về truyền thống và gặp gỡ những nhân chứng sống thời chiến tranh. Chính họ sẽ tiếp tục thắp lên trong văn nghệ sĩ tình yêu đất nước để sáng tác về đề tài ý nghĩa này.

Thượng tá, nhà văn Nguyễn Phú, giảng viên Học viện Biên phòng:

“Vẫn day dứt về những hy sinh ở biên giới phía bắc”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 3

Viết được một tác phẩm hay về thương binh, liệt sĩ và chiến tranh cách mạng vẫn là thách thức với phần lớn các nhà văn, đặc biệt là thế hệ sinh sau chiến tranh. Ngoài tình cảm, tinh thần trách nhiệm thôi thúc, sự trui rèn tài năng của chính người viết thì những chương trình, hoạt động cụ thể của các cơ quan, đơn vị… sẽ động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn. Với tôi, lần tham dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức (4/2009) cũng là lần tôi dồn hết thời gian, tâm lực cho đề tài người lính, chiến tranh cách mạng. Kết quả là tôi có một vài truyện ngắn viết về người lính và sự mất mát, hy sinh trong thời bình được một số nhà văn đi trước đánh giá cao, độc giả yêu thích. Mấy năm công tác ở biên giới Hà Giang, Điện Biên, tôi từng đảm nhiệm việc viết sử cho đồn biên phòng, sưu tầm tư liệu sử cho Bộ đội Biên phòng tỉnh, tôi đã rưng rưng xúc động về những cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của các đồn biên phòng, day dứt về sự hy sinh của những người anh hùng, những thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Nỗi xúc động, day dứt ấy vẫn thường trở lại trong tôi…

TS Lê Vũ Trường Giang, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế:

“Trải nghiệm quý qua chuyến đi nghĩa trang Dốc Bà Đắc”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 4

Chúng tôi có dịp tham dự một trại viết văn học tại tỉnh An Giang và có dịp ghé thăm nghĩa trang Dốc Bà Đắc, nơi quy tập các chiến sĩ ở cả 3 miền bắc - trung - nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh; trong đó phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong số 8.000 mộ phần thì hơn một nửa mang dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Buổi sáng chúng tôi kính cẩn thắp hương, cầu nguyện rồi ra về. Buổi tối, cả đoàn nháo nhác vì một nhà văn nữ bỗng dưng mất hút, ai nấy lo lắng, gọi vào số chị nhưng không ai nghe máy. Chừng khuya chị về, cả đoàn mừng rỡ. Thì ra, chị nhờ người chở lại nghĩa trang Dốc Bà Đắc chỉ để đứng khóc, khóc thật to một mình trước các anh - những người lính vô danh nằm lại trên đất biên thùy năm nào khói lửa.

Kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam:

“Tiếp tục đi sâu vào đời sống các Mẹ Việt Nam Anh hùng”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 5

Dịp tháng 9/2023 khi chúng tôi tổ chức Tết Trung thu cho con em cán bộ,̣ chiến sĩ Hải quân Vùng 3 tại Đà Nẵng. Ở đây, vẫn còn 6 mẹ liệt sĩ Gạc Ma và chúng tôi đã đến thăm các mẹ. Trong số đó, có mẹ Trước, 92 tuổi, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi. Mẹ đã bị hoại tử chân trái do tiểu đường nặng, bệnh viện đã trả về cả tháng. Tuy biết những ngày còn lại của mẹ không dài, nhưng sự tri ân kịp thời đã giúp mẹ có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, đặc biệt mẹ cảm nhận được tình cảm của thế hệ trẻ đối với mẹ và mẹ đã có được những ngày bình an trước khi ra đi. Chúng ta cần tiếp tục đi sâu vào đời sống hiện tại của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công… và cần đẩy mạnh giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ dưới hình thức mới, trực quan, sinh động, sâu sắc và quan trọng nhất là cần có nội dung phù hợp để người trẻ có thể biến tình yêu thương thành hành động thiết thực.

Nhà văn Tống Phước Bảo (Thành phố Hồ Chí Minh):

“May mắn được tiếp xúc với nhiều thương binh”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 6

Tôi may mắn có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thương binh trong quá trình đi thực tế. Đó là vốn liếng để tôi cho ra đời nhiều truyện ngắn, như “Mắt phù sa”, “Giỗ sông”, “Trong muôn ánh sao”, “Gió ngọt nước đồng”, “Mùa xuân biên trấn”… Và mới nhất tháng 7 năm nay tôi cũng đã viết một số truyện ngắn đề tài thương binh, liệt sĩ cho một số báo đặt hàng. Tôi nghĩ không riêng gì tôi, sẽ luôn có những người viết trẻ tìm đến đề tài này bởi trong trái tim bất cứ người Việt nào cũng có một phần ký ức cuộc chiến từ người thân trong gia đình mình, và trong ý niệm của người viết trẻ luôn có một ám ảnh mang tên chiến tranh cùng nỗi lo mai một về giá trị của một dòng văn học gắn với lịch sử nước nhà.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:

“Tâm huyết với đề tài liệt sĩ thời bình”

Còn rất nhiều điều phải làm với mảng đề tài đặc biệt ảnh 7

Bên cạnh thế hệ mang theo ký ức chiến tranh, các thương binh, liệt sĩ thời bình cũng là mảng đề tài tôi tâm huyết. Tôi nhớ, trước khi lên đường tác nghiệp ở Nam Xu-đăng, tôi chứng kiến đám tang của liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh, người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ. Trong niềm xúc động đến nghẹt thở, tôi vẫn cầm máy ghi lại từng khoảnh khắc. Tôi vẫn luôn dõi theo gia đình nhỏ có vợ và hai con anh. Các ngày lễ Tết, thiếu vòng tay ấm áp của cha, các cháu vẫn được vỗ về, an ủi trong vòng tay đồng đội của cha mình. Đất nước hòa bình, vẫn luôn có cảnh bố mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha, đồng nghiệp tiễn nhau… nước mắt tiễn đưa và nụ cười hy vọng luôn hòa quyện.