Có nên tiếp tục giảm phí trước bạ ô-tô?

Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/8 năm nay cho đến hết ngày 31/1/2025. Điều này liệu có khiến thị trường ô-tô khởi sắc trở lại?
0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu sử dụng ô-tô phục vụ đi lại. Ảnh: NAM NGUYỄN
Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu sử dụng ô-tô phục vụ đi lại. Ảnh: NAM NGUYỄN

Kỳ vọng kéo dài sức mua

Bộ Tài chính mới trình Chính phủ tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/1/2025. Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10 năm 2022.

Theo đó, việc tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ là giải pháp cần thiết, nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.

Đây là lần thứ tư Bộ Tài chính trình dự thảo về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các lần trước đó là từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, lần 2 là từ 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 và lần 3 là trong 6 tháng cuối năm 2023.

Trong lần đầu vào 6 tháng cuối năm 2020, số lượng ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe. Như vậy, mỗi tháng bình quân có 34.930 ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu, tăng gấp hơn 2 lần so 6 tháng đầu năm 2020.

Sang năm 2022, bình quân số lượng ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu 5 tháng đầu năm là 33.690 xe/tháng, cao hơn gấp 1,5 lần bình quân số lượng xe 7 tháng cuối năm. Đến lần thứ 3, số lượng ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng.

Có thể thấy, trong các lần trước, việc giảm lệ phí trước bạ đã kích cầu mua sắm, khiến lượng tiêu thụ xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng vọt. Tuy nhiên, sau 2 lần ghi nhận kết quả tích cực, lần gần nhất vào cuối năm 2023 đã không còn tăng trưởng khi số xe bình quân/ tháng đã xuống dưới 30.000 xe.

Lợi bất cập hại

Sau lần giảm thứ 3 vào nửa cuối năm 2023, thị trường ô-tô bước sang nửa đầu năm 2024 với tình hình ảm đạm, khi số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA trong 3 tháng đầu năm đạt 58.165 xe, giảm 17% so cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ khiến giá xe giảm hàng chục triệu đồng mỗi xe, từ đó thu hút được sức mua hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, người dân đang chủ trương cắt giảm chi tiêu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,05%, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế, riêng mảng giao thông giảm tới 1,73%, cho thấy nhu cầu thực mua của người dân về xe cộ không lớn, nghĩa là sự sụt giảm tiêu thụ này là đồng pha với nền kinh tế. Hiểu theo một nghĩa khác, người dân không còn “rộng rãi” chi tiêu cho các nhu cầu không thiết yếu như trước. Do đó, việc giảm lệ phí trước bạ nhằm kích cầu trong thời gian ngắn sẽ khó có hiệu quả.

Chính phủ kỳ vọng thông qua việc người dân vay vốn từ hệ thống tài chính, tín dụng để mua xe nhằm tăng cường giải ngân tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng được xem là hình thức bảo hộ doanh nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp có thể giảm bớt giá thành, kích thích tổng cầu thanh toán từ đó có thể tăng sản lượng, tăng việc làm, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, động thái này khiến các doanh nghiệp FDI cảm thấy bị phân biệt đối xử giữa kinh doanh trong nước và nước ngoài, ảnh hưởng phần nào tới nhìn nhận của doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Chỉ thị số 12/CT-TTg được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.