Hà Nội thí điểm phân loại rác

23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình phân loại rác thành 4 nhóm, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã vào năm 2026.
0:00 / 0:00
0:00
Việc phân loại rác đúng cách giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Việc phân loại rác đúng cách giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 0,5-1 triệu đồng.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nên hoạt động này là tiền đề cho phân loại rác mở rộng đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026. Từ ngày 1/6, 23 phường thuộc 5 quận bao gồm quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Nam Từ Liêm áp dụng tại hai phường Phú Đô, Cầu Diễn, quận Đống Đa tại phường Nam Đồng đều đồng loạt có các điểm quy tập rác. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); Chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); Chất thải nguy hại (pin, ắc-quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, ti-vi, tủ lạnh); Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Để triển khai hiệu quả mô hình, URENCO Hà Nội cùng với các quận, tổ dân phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động phát tài liệu, tờ rơi giới thiệu về cách thức phân loại rác, phổ biến kế hoạch, thời gian thu gom từng loại rác để người dân hiểu và thực hiện. Cụ thể, đối với rác có khả năng tái chế như giấy, sách vở, bìa, cốc nhựa, vỏ chai... các phường bố trí điểm tập kết và thu gom theo thời gian cố định 2 lần/tuần. Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế... bố trí địa điểm để người dân tập kết từ 7 giờ đến 11 giờ thứ bảy hằng tuần. Với rác thải nguy hại như bóng đèn, pin, nhiệt kế, ắc-quy, bao bì dầu mỡ, sẽ thu tại điểm tập kết riêng còn các loại rác thải khác thu gom trực tiếp hằng ngày đưa đi xử lý.

Phương án phân loại rác tại nguồn bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi trường băn khoăn về cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác thải sau phân loại của các công ty vệ sinh môi trường chưa theo kịp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ như năm 2006 đã triển khai. Hiện, nhiều phường ở Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, hạ tầng kỹ thuật đã được hoàn thiện, ổn định, để lựa chọn được một điểm tập kết đối với rác cồng kềnh là không dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự đồng bộ từ khi phân loại, thu gom đến xử lý để tránh tình trạng người dân phân loại xong đến lúc thu gom thì dồn đống, gây ô nhiễm và mất cảnh quan. Bên cạnh đó phải bố trí thùng đựng từng loại rác thải có ký hiệu riêng để người dân dễ nhận biết và thuận lợi trong việc phân loại. Đầu tư xe thu gom kín để không phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nơi tập kết rác thải cũng phải được phân loại riêng và phải chọn công nghệ xử lý phù hợp đối với từng loại rác.