Những cái “bẫy” thu thập thông tin cá nhân

Vừa đi làm về, anh Nguyễn Đức Thanh (Liên Mạc, Phú Thượng, Hà Nội), nổi đóa khi thấy cô con gái học lớp 8 đòi lấy thông tin, từ số điện thoại đến CCCD của cả nhà theo yêu cầu của Câu lạc bộ thể thao ngoại khóa. Nếu không tỉnh táo, có thể hàng triệu dữ liệu cá nhân đã bị rò rỉ, thu thập, đánh cắp, theo những “kênh” mà ít ai ngờ tới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ứng dụng hiện nay đều yêu cầu khai báo thông tin cá nhân.
Nhiều ứng dụng hiện nay đều yêu cầu khai báo thông tin cá nhân.

Muôn vàn cách thu thập

Hỏi kỹ ra, anh Thanh biết rằng, mỗi thành viên câu lạc bộ (CLB) nơi con đang tham gia đều phải thu thập thông tin 3 thành viên gia đình, rồi mở 3 tài khoản trên một ứng dụng ví điện tử để đổi lại một khoản tài trợ cho hoạt động của CLB. Hàng loạt thông tin cá nhân từ họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi làm việc, địa chỉ thường trú, thậm chí số định danh cá nhân đều phải khai để mở tài khoản.

Liên hệ với người phụ trách, anh Thanh được biết đây là hoạt động liên kết của CLB với doanh nghiệp, nhằm tăng thêm nguồn tài trợ cho các hoạt động. Khi hỏi kỹ về những thông tin cá nhân có được nhà tài trợ cam kết bảo mật không, anh Thanh nhận được câu trả lời qua loa từ người phụ trách. “Để đánh cắp thông tin chúng dùng đủ chiêu trò, len lỏi cả vào trường học, lợi dụng học sinh”, anh Thanh bức xúc.

Cũng gặp phải tình huống thu thập thông tin như vậy, cuối năm, chị Nguyễn Thị Hoa (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhận được link Google Doc từ giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh học sinh điền thông tin để cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành. Sau khi xem xét kỹ, chị tá hỏa bởi tờ khai yêu cầu khai toàn bộ thông tin từ nơi thường trú, số CCCD, số điện thoại cha mẹ, nghề nghiệp. Theo chị Hoa tìm hiểu, những dữ liệu này khi lộ ra ngoài là có thể làm thẻ tín dụng, vay tiền, đăng ký SIM, lừa đảo trên mạng. Sau khi trao đổi kỹ với giáo viên chủ nhiệm, chị Hoa đã từ chối cung cấp thông tin, bởi lý do quy định trên không phù hợp với Nghị định 13 của Chính phủ về bảo mật thông tin. Chị Hoa tất nhiên không sai, nhưng thái độ của giáo viên chủ nhiệm từ đấy cũng không vui vẻ.

Trước đó, chị Hoa đã nhiều lần từ chối khai phiếu khảo sát sức khỏe, cũng do nhà trường phát. Tò mò, chị thử vào luôn được Google Drive và xem ngay được toàn bộ thông tin của học sinh trong trường. Lo ngại việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, liên tục nhiều tháng nay, hễ giấy tờ nào liên quan đến việc phải cung cấp thông tin cá nhân, chị Hoa lại từ chối. “Ai đứng ra bảo đảm những thông tin quan trọng của mình và người thân không bị phát tán, bị mua bán và sử dụng vào mục đích xấu”, chị Hoa nói.

Trong nhiều năm qua, hàng loạt các phiếu điều tra, khảo sát đã được thu thập qua các kênh trường học, tổ dân phố, khu dân cư và nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Từ các phiếu giấy cho đến các tờ khai online, tất cả đều nhắm tới thu thập dữ liệu cá nhân. Không ai đưa ra cam kết gì về những thông tin cá nhân được thu thập. Chỉ biết sau đó, rất nhiều người trở thành nạn nhận của các chiêu lừa đảo mạo danh vay mượn tiền, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thậm chí giả mạo khoản vay, giấy tờ tài chính mà không có ai đứng ra bảo vệ.

“Dữ liệu cá nhân là tài sản riêng”

Đầu tháng 6, anh Nguyễn Đức Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được thông báo của ngân hàng về việc bổ sung thông tin sinh trắc học. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/lần. Tuy ngân hàng có đưa ra các cam kết bảo mật, nhưng dữ liệu sinh trắc học gắn liền với một con người, nếu bị ăn cắp thì sẽ mất mãi mãi và không có cách nào ngăn kẻ xấu sử dụng. Ở nhiều quốc gia, thông tin sinh trắc học chỉ được thu thập, lưu trữ và sử dụng vì mục đích an ninh. “Mình gửi tiền tiết kiệm hôm trước hôm sau đã có hàng chục cuộc gọi rác thì làm sao ngân hàng có thể bảo mật tuyệt đối thông tin sinh trắc học của hàng triệu khách hàng”, anh Vinh nêu ý kiến.

Nhiều người lo lắng về nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhận vì việc cập nhật thông tin vào app ngân hàng đòi hỏi chụp ảnh khuôn mặt, quét thông tin trên CCCD với hàng loạt dữ liệu cá nhân, dấu vân tay. Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn (Hiệp hội An ninh mạng), bảo mật thông tin sinh trắc học là vô cùng quan trọng. Bởi nếu không được bảo vệ tốt, chính những thông tin này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

“Hãy từ chối chia sẻ thông tin nếu cảm thấy không an toàn” là lời khuyên của các chuyên gia an ninh mạng đối với việc bảo mật thông tin cá nhân. Từ tháng 7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng khoảng cách giữa chính sách và đời sống vẫn còn khá xa. Cách tốt nhất là mỗi người dân nên coi dữ liệu cá nhân là tài sản riêng, mỗi người nên tự ý thức về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Để giảm rủi ro mất cắp, nên phân loại thông tin, những thông tin có thể chia sẻ với bên ngoài và những thông tin quan trọng chỉ dùng khi cần xác minh với cơ quan hành chính, ngân hàng.