Tác dụng phụ của kem chống nắng

Bôi kem chống nắng có thể bảo vệ bạn khỏi các tia UVA và UVB có hại nhưng vẫn có khuyến cáo về một số hóa chất vượt ngưỡng an toàn trong kem, đặc biệt là kem chống nắng hóa học. Theo các chuyên gia da liễu, loại kem này sử dụng nhiều loại hóa chất như oxybenzone, octinoxate, avobenzone, homosalate và octocrylene để hấp thụ tia UV có hại, có thể gây ra một số tác dụng phụ cho da thường gặp dưới đây:
0:00 / 0:00
0:00
Tác dụng phụ của kem chống nắng

- Dị ứng: Một số người sẽ gặp dị ứng bao gồm phát ban và ngứa da khi bôi kem chống nắng. Điều này có thể là do các hóa chất trong kem như nước hoa và chất bảo quản gây ra. Vì vậy, hãy chọn loại kem có nhãn ghi “không gây dị ứng” hoặc chọn loại không chứa PABA (hóa chất phổ biến trong kem chống nắng nhưng dễ gây dị ứng với da nhạy cảm).

- Nổi mụn: Một số hóa chất trong kem có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Giải pháp lúc này là hãy chọn loại kem không gây mụn và không chứa dầu phù hợp với làn da mỗi người.

- Kích ứng mắt: Khi kem chống nắng dính vào mắt, chúng có thể gây đau và kích ứng, nếu nặng còn khiến mắt bị bỏng và nhạy cảm với ánh sáng. Không may kem chống nắng dính vào mắt, hãy dùng nước sạch hoặc nước mắt nhân tạo để rửa hoặc đặt một miếng vải ướt lên mắt để giảm đau. Nếu tình trạng không cải thiện, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

- Gây viêm nang lông: Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp do việc sử dụng kem chống nắng pha trộn hóa chất độc hại hoặc hàng giả gây ra. Để tránh gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hãy chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín tại những nơi bán bảo đảm.

- Gây khô da: Kem chống nắng có nhiều dạng như gel, nước, xịt, dạng mỡ, kem và sáp. Một số loại có thể khiến da bị căng hoặc khô và gây đau. Lưu ý kem chống nắng có SPF cao thường chứa nhiều thành phần để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV và những thành phần này có thể gây khô da nếu không được sử dụng đúng cách.

Mặc dù các thành phần gây tổn hại trong kem chống nắng hóa học cần được nghiên cứu kỹ hơn nhưng theo các chuyên gia, tốt nhất bạn nên sử dụng kem chống nắng vật lý. Ngoài ra, dùng kem hết hạn sử dụng cũng sẽ gây hại cho da nên hãy chú ý đến hạn dùng ghi trên nhãn chai.

Bạn có biết?

Bí quyết giúp da không bị khô

- Trước khi bôi kem chống nắng, hãy bảo đảm da đã được cung cấp đủ độ ẩm. Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để giữ cho da luôn mềm mịn, đồng thời xịt khoáng dưỡng ẩm nếu thường xuyên ở trong môi trường điều hòa.

- Che chắn và bảo vệ da bằng dụng cụ bảo hộ. Ngoài việc bôi kem chống nắng, bạn nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như mũ, áo mưa, kính râm và áo che kín khi đi ra ngoài để giảm tiếp xúc của da với tia UV. Điều này giúp giảm áp lực lên kem chống nắng và bảo vệ da một cách hiệu quả hơn.

- Bên cạnh các bước trên, hãy nhớ bôi lại kem chống nắng sau một khoảng thời gian cố định (thường là sau 2-3 giờ). Theo hướng dẫn của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), ngay cả những loại kem chống nắng có nhãn “chống nước” cũng chỉ duy trì SPF trong tối đa 80 phút. Việc bôi lại cũng sẽ giúp bạn đạt được độ che phủ tổng thể đồng đều hơn cho da.

- Làm sạch kỹ da khi về nhà. Sau khi tiếp xúc với môi trường ngoài trời và sử dụng kem chống nắng, hãy làm sạch da để loại bỏ cả kem và bụi bẩn. Sử dụng sản phẩm làm sạch phù hợp với loại da của bạn sau đó bôi kem dưỡng ẩm và các loại kem hỗ trợ khác để dưỡng da.