Nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở phía nam

Tại Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía nam năm 2024 vừa diễn ra tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đánh giá, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà tại các tỉnh phía nam rất cao do “khoảng trống miễn dịch”.
0:00 / 0:00
0:00
Cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để hạn chế các bệnh truyền nhiễm.
Cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để hạn chế các bệnh truyền nhiễm.

Số liệu từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm tới nay, toàn phía nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp nghi ngờ sởi. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi. Đáng chú ý, nhiều tỉnh Tây Nam Bộ ghi nhận ca mắc sởi trong cộng đồng cao.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng và bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Sởi cũng là một bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng nước và tỷ lệ tiêm chủng. Virus gây bệnh sởi lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết của đường mũi họng. Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.

Theo Bộ Y tế, bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm đang tăng cao do “khoảng trống miễn dịch”. Nguyên nhân bởi từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch nên độ bao phủ vaccine thấp. Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, cần có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời như mở rộng độ tuổi tiêm chủng, mở rộng đối tượng tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để khống chế dịch, hạn chế lây lan dịch bệnh có hiệu quả hơn.

Ngoài các ca mắc sởi, về bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm tới nay thành phố ghi nhận 6.120 ca tay chân miệng, tăng 21% so trung bình 5 năm trước. Về sốt xuất huyết, sáu tháng đầu năm số lượng bệnh nhân ở các tỉnh, thành phía nam ở mức thấp. Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3.677 ca sốt xuất huyết, giảm 53% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Viện Pasteur cho rằng, các địa phương không được chủ quan vì đang vào mùa mưa, dịch bệnh sẽ có biến động và nguy cơ bùng dịch cao.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà-phòng và nước sạch để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc từ trong nhà đến ngoài vườn, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi và tiêm phòng vaccine đầy đủ. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, đặc biệt là sởi, dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng khi đang vào mùa mưa bão. Lên kịch bản ứng phó sẵn sàng cho công tác thu dung, điều trị các bệnh có nguy cơ lây truyền. Đối với các bệnh không có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cần chủ động tham mưu địa phương mua dự trữ vaccine, thuốc điều trị để phòng bệnh, tránh tình trạng có dịch bệnh đẩy về các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương. Đồng thời, tham mưu tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi trên diện rộng.