Trong bối cảnh môi trường internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn thông tin với trẻ em, để góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và hỗ trợ phát triển thị trường trong lĩnh vực này, VNISA đã giao Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) chủ trì biên soạn dự thảo dựa trên các xu hướng công nghệ mới, cơ sở thực tiễn các sản phẩm cũng như các quy định pháp lý tại Việt Nam. Theo đó, bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cơ bản với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bao gồm 5 nhóm: Yêu cầu về tài liệu; Yêu cầu về tính năng; Yêu cầu về tính tuân thủ và đặc thù Việt Nam; Yêu cầu về yếu tố an toàn thông tin của sản phẩm và Yêu cầu về hiệu năng xử lý.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), việc ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là nền tảng cơ bản, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước định hướng phát triển các sản phẩm “Make in Viet Nam” chất lượng tốt, vươn tầm quốc tế. Bộ tiêu chuẩn cũng giúp các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá lại mức độ phù hợp khi cung cấp các sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam, thị trường sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bên cạnh các sản phẩm của nước ngoài, nhiều năm qua cũng đã có sự xuất hiện các giải pháp đến từ những doanh nghiệp trong nước như SafeGate Family của SCS, Mobile Guard của CyRadar, Cyber Purify, V-Safe được khá nhiều phụ huynh sử dụng cài đặt trên các thiết bị điện tử nhằm kiểm soát truy cập internet của trẻ.
Theo kế hoạch, VNISA sẽ tiếp nhận hồ sơ đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA trong 2 tháng 7, 8 và dự kiến sẽ công bố các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đợt đầu tiên trong tháng 11, tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2024.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 830 ngày 1/6/2021.
Lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình hướng tới “mục tiêu kép”: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng. Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và tăng cường hợp tác quốc tế là 5 nhóm nhiệm vụ chính của Chương trình 830.