Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam

Chuyển dịch năng lượng mang tới cơ hội cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, song trong quá trình đó cũng cần xem xét và kết hợp các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để bảo đảm công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu công nghệ ngành năng lượng.
Giới thiệu công nghệ ngành năng lượng.

Hướng tới chuyển dịch năng lượng công bằng

Vừa qua, khoảng 500 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu, phát triển đã tham gia thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng” diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội. Hội thảo do Đại sứ quán Đức phối hợp với các đối tác ở Việt Nam tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc, TS Guido Hildner - Đại sứ Đức tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đặt mục tiêu tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời tham gia Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được ký kết với Nhóm G7 mở rộng vào tháng 12 năm ngoái. Đối mặt mức giá carbon trên thế giới ngày càng cao, quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ nâng cao sinh kế của thế hệ tương lai mà còn bảo đảm an ninh nguồn cung, duy trì giá năng lượng thấp, tăng cường hợp tác trên thế giới.

Trong lĩnh vực này, Việt Nam và Đức đã khẳng định là đối tác lâu dài, cùng nhau học hỏi, cung cấp công nghệ, hợp tác và cùng phát triển. TS Hildner cho biết: “Dự án chung đầu tiên giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được triển khai vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác giữa chúng ta đã không ngừng phát triển và hiện nay, tổng giá trị danh mục các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch hiện lên tới hơn 1 tỷ euro”.

Ở Đức, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7%, lên 5 triệu người. “Điều này cho thấy quá trình chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp với đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng là những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế”, Đại sứ Hildner nhấn mạnh.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn do BĐKH, Việt Nam đang chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng bền vững từ mặt trời, điện gió… Các chuyên gia nhận định, quá trình chuyển đổi năng lượng phải đi cùng sự công bằng cho người lao động, cộng đồng địa phương, bảo đảm sinh kế và tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đã tư vấn nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, sử dụng người lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch, chính sách phát triển thị trường lao động bền vững, ban hành bộ quy định về việc làm xanh hay ban hành văn bản liên quan giáo dục nghề nghiệp tích hợp.

Theo bà Hà, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo đà phát triển các ngành, các chuỗi giá trị liên quan việc làm xanh, xây dựng tiêu chuẩn nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng mới.

Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam ảnh 1

Đại sứ Đức tại Việt Nam, TS Guido Hildner.

Kinh nghiệm từ Đức

Chuyển dịch năng lượng gắn liền với chuyển dịch việc làm là một trong những ưu tiên trọng tâm trong quá trình này. Theo TS Markus Janser thuộc Viện Nghiên cứu việc làm Đức, khi tiến hành các nghiên cứu về tác động của thị trường lao động đối với việc làm, ông ghi nhận quá trình chuyển dịch năng lượng ở nước này đã có ảnh hưởng tới thị trường lao động. “Chúng tôi đã nghiên cứu chuyển dịch năng lượng thể hiện trong việc làm, nghiệp vụ và kỹ năng trong thị trường lao động. Ở Đức, quá trình xanh hóa việc làm đang diễn ra chủ yếu ở các ngành nghề hiện hữu, chẳng hạn một công ty tìm kiếm thợ điện, thợ lắp đặt để đáp ứng các công trình năng lượng tái tạo”, vị chuyên gia phân tích.

Theo ông, số lượng việc làm có liên quan môi trường và BĐKH hay gọi tắt là kỹ năng xanh, đang tăng lên theo thời gian. Một số thí dụ việc làm nghề nghiệp kỹ năng xanh như nghề lái tàu trong vận tải đường sắt, các nghề lắp đặt hệ thống ống nước, sưởi ấm và điều hòa không khí, các nghề thi công mái nhà chống nóng, cách nhiệt… Ngoài ra, nhóm việc làm chính hiện nay ở Đức là nhóm trung tính, không xanh cũng không “nâu” (công việc truyền thống có tác động đến môi trường). Nhưng chuyển dịch năng lượng cũng đang diễn ra trong tất cả các công ty và các ngành công nghiệp khác.

TS Janser nêu ra một số bài học kinh nghiệm ở Đức khi xử lý thách thức từ chính sách loại bỏ ngành than, đối với người lao động. Theo khảo sát, người lao động không hoàn toàn thất nghiệp mà chuyển sang các công việc được trả lương thấp hơn (thu nhập giảm trung bình 27%) và công việc ít ổn định hơn. Những khó khăn đối với người lao động bị ảnh hưởng là họ cần phải đào tạo lại kỹ năng, thay đổi công ty hay ngành nghề. Các nhà chức trách Đức đã áp dụng một số phương pháp tiếp cận chính sách thị trường lao động, trong đó có thay đổi chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục, đào tạo nghề theo nhu cầu chính sách khí hậu.

Ngoài ra, một số giải pháp ưu tiên như hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cho tất cả người lao động, đặc biệt tập trung công nhân trong các ngành năng lượng hóa thạch và các nghề có kỹ năng nâu. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh còn là xem xét chương trình bảo hiểm tiền lương tạm thời để giúp người lao động khi chuyển dịch… “Quan trọng nhất là, bắt đầu ngay từ trường học cần dạy các kiến thức, kỹ năng, giao tiếp về hệ thống sinh thái, giúp hình thành nhận thức từ ban đầu về lĩnh vực này”, TS Janser nhấn mạnh.

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai mạnh mẽ. Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thúc đẩy theo hướng công bằng đồng thời giảm thiểu tác động của BĐKH cũng đang là một trong những ưu tiên của Việt Nam, được đề cập trong nhiều văn bản và đã đi vào hành động.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định: “Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng cần thiết và sẵn sàng học hỏi từ các điển hình tốt trên thế giới; đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Đức và tin tưởng mối quan hệ này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và tương lai xanh, phát triển bền vững cho Việt Nam”.