Chuyện kể của những mảnh ký ức

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh cùng hai tay bút Đào Thanh Huyền và Hà Hương là đồng tác giả của cuốn sách “Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc” do NXB Trẻ phát hành vừa ra mắt dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ 27/7.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyện kể của những mảnh ký ức

Ấp ủ ý tưởng từ cách đây 10 năm, nhóm tác giả đã bỏ công thực hiện vào hoàn thành cuốn sách trong suốt 3 năm. Toàn bộ 300 trang sách là những câu chuyện, hồi ức của 120 nhân vật như một lời tri ân và khẳng định: Không sự hy sinh nào bị quên lãng!

Đó là những mảnh ghép không liền mạch của một tiểu đoàn trưởng, một chiến sĩ trinh sát, anh nuôi, pháo thủ… hay một người dân. Tất cả đều từng nếm trải sự khốc liệt, bi tráng của cuộc chiến, chứng kiến từng thời khắc ngã xuống của bao nhiêu người trẻ khi tay vẫn còn nắm chặt báng súng bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Ghi chép của họ, nếu có, chỉ là những mẩu rất nhỏ của ký ức: một tấm bản đồ với những tên địa danh chưa chính xác, những hình ảnh, âm thanh, mùi vị và cảm giác nặng nề đã được chôn sâu, những cái tên nằm lòng nhưng ít được nhắc tới trong hơn 40-45 năm qua… “Em tôi, Nguyễn Tiến Quân, mất ngay những ngày đầu tiên của chiến tranh. Tiểu đoàn pháo của Quân thuộc Quân đoàn I, đóng ở Lạng Sơn. Em tôi là Đại đội trưởng một đại đội pháo đóng gần biên giới. Bộ tư lệnh quân khu không dám báo về vì biết chú ấy là con ông Đồng Sỹ Nguyên… Ở nhà mẹ tôi nghe đài thấy chiến tranh ác liệt, nóng ruột quá, bà gọi điện lên quân khu hỏi tình hình. Đến chiều thì người ta thông báo Quân hy sinh. Lúc ba chúng tôi đang họp thì chú trợ lý vào gọi ra báo tin. Ông nghẹn đi một lúc, xong ông vào chủ trì cuộc họp…”. Một trong hàng nghìn những “vết hằn” từ cuộc chiến đã vọng lại như thế .

Tác giả Phạm Hoài Thanh chia sẻ: “Năm 1979, tôi còn quá trẻ để hiểu thế nào là chiến tranh. Tôi từng háo hức được ra mặt trận, từng nghĩ về những trận chiến lãng mạn như trong tiểu thuyết. Những năm 1984-1989, tôi loáng thoáng nghe đâu đó trên biên giới vẫn còn chiến tranh. Những năm 2000, tôi lõm bõm nghe anh em bạn bè nói về “lò vôi thế kỷ”. Chỉ đến khi bắt tay vào tìm hiểu tôi mới thật sự bất ngờ. Từ 1979 đến 1989, trong lúc tôi và bạn bè mải miết công việc và hưởng thụ cuộc sống thì hàng vạn trai trẻ gồng mình dưới bom đạn vô cùng khốc liệt”.

Nhóm tác giả không kỳ vọng sẽ kể đầy đủ các sự kiện diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989) ở tất cả toàn tuyến biên giới trải dài hơn 1.400 km. Họ chỉ cố gắng chắp nối những mảnh vụn từ hồi ức của những người trong cuộc, với hy vọng người đọc sẽ cảm nhận rõ hơn về chiến tranh và trân trọng những gì ta đang có trong hòa bình.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói về cuốn sách “Biên cương đã im tiếng súng, nhưng thời gian không thể làm suy suyển sự thật và bản chất lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận, ghi nhớ, không phải nhen lên thù hận dân tộc, mà để xây đắp cho ước vọng hòa bình...”.