Góc nhìn

Giải cơn khát vốn đầu tư

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán là kênh gọi vốn hiệu quả với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Báo Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu một số quan điểm của các nhà quản lý, thành viên thị trường để trả lời câu hỏi: Làm sao vừa dẫn vốn về cho doanh nghiệp vừa bảo đảm môi trường minh bạch, an toàn đối các chủ thể tham gia thị trường?

Sự phát triển của thị trường chứng khoán đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn. Ảnh: Nguyễn Dũng Minh
Sự phát triển của thị trường chứng khoán đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn. Ảnh: Nguyễn Dũng Minh
Giải cơn khát vốn đầu tư -0

THỨ TRƯỞNG TÀI CHÍNH NGUYỄN ĐỨC CHI

Chiến lược phát triển kênh dẫn vốn trung, dài hạn

Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, căn cứ định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Quan điểm phát triển thị trường một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Mặt khác, chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế. Quản lý giám sát thị trường trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, minh bạch, an toàn, bền vững.

Để tổ chức thị trường một cách hiệu quả, cần cơ cấu lại mô hình công ty mẹ-công ty con. Cùng với đó là củng cố và nâng cao năng lực của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, đưa vào các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp… Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên. Phấn đấu trở thành một trong bốn thị trường chứng khoán lớn của ASEAN.

Giải cơn khát vốn đầu tư -0

PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC PHẠM HỒNG SƠN

Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý

Để tạo điểm tựa đi lên một cách bền vững của toàn thị trường, trước hết cần hoàn thiện cơ sở pháp lý. Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, giai đoạn 2020-2025 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, tập trung vào công tác tuyên truyền. Xem xét hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý phù hợp thị trường. Tiếp đó là cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, thị trường chứng khoán. Cũng cần cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường và nâng cao năng lực quản lý giám sát. Cuối cùng, cần tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp.

Giải cơn khát vốn đầu tư -0

TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN-HÀ NỘI (SHS)

VŨ ĐỨC TIẾN

Triển vọng tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển sang giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển kinh tế. Sự phát triển thị trường trong hai năm qua có những chỉ số hết sức lạc quan về quy mô thị trường. Mặc dù vậy, hai năm vừa qua là hai năm bản lề và từ đây sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thị trường. Chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp huy động vốn minh bạch, tích cực trên thị trường.

Giải cơn khát vốn đầu tư -0

TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VNDIRECT ĐỖ NGỌC QUỲNH

Tối ưu hóa cấu trúc vốn đầu tư

Sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn rất nhiều. Chúng ta có kênh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, giúp doanh nghiệp và cả Chính phủ huy động vốn hiệu quả. Mỗi loại vốn có tính chất đặc điểm khác nhau, doanh nghiệp có thể xây dựng cấu trúc vốn tối ưu, an toàn, linh hoạt hơn nhiều.

Tiềm năng thị trường còn rất lớn, hiện mới chỉ có hơn 1% dân số giao dịch mà quy mô thị trường đã hơn 1 tỷ USD. Hệ thống ngân hàng hiện có hơn 50 triệu tài khoản cá nhân, tiền gửi trong ngân hàng thương mại hơn 5 triệu tỷ đồng. Hiện thị trường bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu, cần chú trọng nâng về chất để thị trường phát triển bền vững.