Chương trình OCOP được triển khai ở Việt Nam từ khi nào?

NDO - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 nhằm phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Vải thiều Lục Ngạn. (Ảnh: Thành Đạt)
Vải thiều Lục Ngạn. (Ảnh: Thành Đạt)

Chương trình OCOP được triển khai ở Việt Nam từ khi nào? (Lê Hoàng Anh, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phong trào "mỗi làng một sản phẩm (One Village One Product - OVOP" bắt đầu được khởi xướng ở Oita, Nhật Bản vào năm 1979, nhằm khuyến khích mỗi làng lựa chọn và phát triển một sản phẩm đặc biệt để phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển kinh tế (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hóa).

Phong trào OVOP đã lan tỏa và được triển khai thực hiện trên 40 nước ở các khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ ... và đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn của các quốc gia.

Ở Việt Nam, từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ban hành năm 2018, với mục tiêu tập trung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy các thế mạnh về sản phẩm ở các vùng nông thôn.

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình "Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương như Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên Huế, An Giang và đạt được một số kết quả quan trọng.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động áp dụng để phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh-Mỗi xã, phường một sản phẩm" vào năm 2013 gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, sau 5 năm triển khai. Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng, sáng tạo, bài bản của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những lợi thế, thể mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và yêu cầu của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Chương trình nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền, tạo hành lang pháp lý, cơ chế vận hành Chương trình một cách đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước.