Chung quanh đề xuất làm bãi đậu xe thông minh ở TP Hồ Chí Minh

Trong khi các bãi xe ngầm còn “trên giấy” suốt nhiều năm do vướng mắc hàng loạt thủ tục, mới đây, ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang tính làm các bãi xe thông minh khu vực trung tâm. Yêu cầu chung là các bãi xe này phải phù hợp cảnh quan, mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu dừng, đậu xe trong khu vực nội thành của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức cho ô-tô đậu có thu phí ở các tuyến đường trung tâm.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức cho ô-tô đậu có thu phí ở các tuyến đường trung tâm.

Đề xuất đã từng bị “bác”

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại các công viên như 23/9, Lê Văn Tám, Tao Đàn... Đây là những khu vực tập trung nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí... thu hút rất đông người nhưng đang thiếu bãi đỗ xe trầm trọng.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải thành phố), các bãi xe thông minh cao tầng lắp ghép có ưu điểm chiếm ít diện tích, chi phí thấp hơn so xây dựng bãi xe ngầm, thi công nhanh. Mặt khác, hệ thống cũng dễ lắp đặt và có thể tăng số lượng nơi đỗ xe bằng cách lắp ghép các block lại với nhau. Khi cần cũng dễ dàng tháo dỡ, di dời. “Hiện Sở Giao thông vận tải đang cùng một số nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các phương án trước khi đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương”, ông Ngô Hải Đường nói.

Phương án xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép ở trung tâm TP Hồ Chí Minh từng được các nhà đầu tư đề xuất năm 2017, sau khi một số bãi đậu tương tự do các doanh nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả như công trình ở số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (sức chứa 2.800 ô-tô, xe máy); đường Cô Giang, quận 1 (2.000 chỗ cho ô-tô và xe máy); bãi đậu ở Sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ô-tô, xe máy, xe đạp). Thế nhưng, thời điểm đó, kế hoạch làm thêm các bãi đậu cao tầng ở trung tâm chưa được TP Hồ Chí Minh chấp thuận vì lo ngại ùn tắc gia tăng, làm giảm không gian công cộng của người dân.

Trước áp lực về bãi đậu xe ô-tô khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, năm 2018, chính quyền thành phố chấp thuận cho ô-tô đậu và triển khai thu phí ở hơn 20 tuyến đường các quận 1, 5, 10. Vậy nhưng, phương án này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đậu xe ở trung tâm, cộng thêm vào đó là quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề.

Trong khi ngành giao thông vẫn loay hoay với các phương án giải quyết chỗ đậu xe ở trung tâm thì bốn dự án bãi xe ngầm được quy hoạch ở quận 1, gồm: Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, với sức chứa khoảng 6.300 ô-tô, 4.000 xe máy, vẫn “án binh bất động” hơn 10 năm qua. Nguyên nhân do khó thu hút đầu tư vì nhà đầu tư không mặn mà, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.

Trong đó, công trình duy nhất đã làm lễ động thổ là bãi đậu tại Công viên Lê Văn Tám, vốn 110 triệu USD hiện cũng đã bị “khai tử”. Với ba dự án còn lại, bãi đậu ở sân khấu Trống Đồng tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng với 700 chỗ đậu ô-tô và 400 xe máy đã có nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai do gặp nhiều trở ngại, liên tục phải điều chỉnh, cập nhật theo quy hoạch...

“Đúng là việc tìm bãi đậu xe ô-tô khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh muốn đỏ con mắt nhưng để có giải pháp phù hợp giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe cũng rất nan giải. Bởi, nhiều năm qua, thành phố vẫn đang phải loay hoay trong việc xây dựng các dự án bãi đậu xe khu vực trung tâm”, chị Nguyễn Hồng Nga, người thường xuyên lái ô-tô vào quận 1 làm việc nói.

Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (chủ đầu tư dự án bãi xe ngầm sân khấu Trống Đồng) Nguyễn Thị Bảo Quỳnh cho hay, năm 2016, dự án khi hoàn tất các thủ tục thẩm định thiết kế, chuẩn bị xây dựng thì phải điều chỉnh do vướng ranh giới tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Sau đó, dự án bị yêu cầu phải điều chỉnh chức năng, làm thay đổi bản chất quy hoạch đã được duyệt. Đơn vị đầu tư đã nhiều lần kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay, số lượng ô-tô thành phố quản lý đã tăng lên hơn 850.000, cùng hơn 7,8 triệu xe máy (tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2021), chưa tính xe vãng lai từ nơi khác. Trong khi hệ thống bến bãi ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha sau năm 2020, khiến nhu cầu đậu, giữ xe ngày càng bức bách, đặc biệt ở khu trung tâm. Thành phố đang có 35 bến bãi, thấp hơn nhiều so 126 vị trí được quy hoạch. Do đó, để đáp ứng nhu cầu dừng đỗ xe trong đô thị, Sở Giao thông vận tải thành phố đang cân nhắc việc xây các bãi đậu xe thông minh trong công viên.

Liệu có khả thi?

Nói về tính khả thi của các dự án bãi xe ngầm, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Huỳnh Xuân Thụ cho biết, các đề xuất dự án này chưa chứng minh được tính khả thi về đầu tư và xây dựng. Trong đó, việc xây dựng công trình ngầm, nhất là dưới các công viên, móng công trình phải sâu hơn rễ cây, mạch nước ngầm để bảo đảm cây sinh trưởng. Điều này làm chi phí đội lên rất lớn, bởi chi phí tầng hầm bằng ba lần tầng nổi… Vì thế, nếu công trình ngầm chỉ làm bãi đậu xe không thì sẽ khó khả thi.

Về việc lấy đất công làm bãi đậu xe nổi, ông Thụ cho hay, các quỹ đất công được sử dụng để đầu tư các công trình công cộng, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính và một phần dự trữ để đấu giá cho doanh nghiệp xây dựng công trình thương mại dịch vụ góp phần phát triển thành phố, tăng nguồn thu ngân sách. Do đó, ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết, trong điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060, thành phố sẽ rà soát tổng thể hệ thống giao thông, các khu đậu xe nổi và ngầm khu vực trung tâm được đặt trong mối quan hệ với giao thông công cộng và thương mại dịch vụ.

Về bãi xe thông minh, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trước thực tế chưa có bãi đậu xe ngầm nào được xây dựng thì bãi xe cao tầng lắp ghép là một giải pháp cấp bách để giải quyết nơi đậu xe ở trung tâm thành phố. Các công trình dạng này đã áp dụng tại nhiều đô thị lớn, giúp tiết kiệm diện tích. Mặt khác, chi phí làm bãi đậu cao tầng thấp, dễ thực hiện nên dễ thu hút nhà đầu tư hơn. Minh chứng là đã xuất hiện ở một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng. Để thực hiện, thành phố nên khảo sát các khu vực có nhu cầu đậu xe cao, từ đó nghiên cứu và đưa ra vị trí phù hợp để làm các công trình này, giải quyết nhu cầu đậu xe ô-tô đang rất bức bách khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố đang nghiên cứu thu phí ô-tô vào trung tâm để giảm ùn tắc. Nếu xây dựng thêm các bãi đậu xe ở trung tâm thì sẽ đi ngược với chủ trương trên. Bởi, có thêm chỗ đậu thì lượng ô-tô đi vào trong trung tâm sẽ nhiều hơn, dẫn đến tình hình ùn tắc trong nội thành có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Không những vậy, thời gian qua, thành phố đã di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… tồn tại trên đất công viên, trả lại mặt bằng cho người dân sinh hoạt. Bây giờ nếu lại lấy đất công viên cho xây thêm các bãi đậu xe sẽ khiến người dân bức xúc.

Với đề xuất trên của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại rằng, nếu lấy đất công viên để làm các bãi xe lộ thiên cao tầng sẽ chẳng những làm mất mỹ quan tự nhiên của bề mặt công viên, đặc thù công viên mà còn chiếm dụng đất công cộng, gây khó khăn, cản trở cho cộng đồng ra, vào công viên cùng những hoạt động cá nhân hay công cộng khác trong công viên.

Mặt khác, nếu đất công viên bị dùng làm bãi xe cũng sẽ tương tự đề xuất mới đây của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố lấy 1.500m2 đất Công viên Gia Định để làm bãi xe bus nhằm giải tỏa kẹt xe trong khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay lập tức, người dân và giới chuyên môn lo ngại việc kẹt xe trong sân bay sẽ được “di dời” ra công viên, đồng thời sẽ “mọc lên” các bến “cóc”, xe “dù” gây mất trật tự an ninh khu vực Công viên Gia Định.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, những vị trí được đề xuất làm bãi xe thông minh đều thuộc đất cho giao thông nên nếu xây dựng phương án, kế hoạch khả thi thì UBND thành phố có thể chấp thuận triển khai trong thời gian tới. Hiện Sở đang phối hợp với các nhà đầu tư quan tâm để triển khai thực hiện, đề xuất UBND thành phố cho chủ trương.