Chính sách - Cuộc sống

Chức danh Thị trưởng

Tại Hội nghị đô thị toàn quốc sáng 30/11, đại diện Bộ Nội vụ đã đề nghị nghiên cứu mô hình "Tòa thị chính" và "Thị trưởng" ở đô thị cho phù hợp đặc thù của nước ta. Đây quả thực là đề nghị thú vị và đáng được quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI. Ảnh | DUY LINH
Quang cảnh kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI. Ảnh | DUY LINH

Thật ra, "Tòa thị chính" chỉ là trụ sở làm việc của chính quyền địa phương. Chúng ta hoàn toàn có thể gọi trụ sở làm việc của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là Tòa thị chính của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, chức danh "Thị trưởng" lại là một câu chuyện khác.

Trước hết, chính quyền địa phương của nhiều nước trên thế giới được cấu thành từ thị trưởng (mayor) và hội đồng (council), gọi là mô hình thị trưởng-hội đồng. Mô hình thị trưởng-hội đồng lại chia làm hai loại: mô hình thị trưởng mạnh và mô hình thị trưởng yếu.

Trong mô hình thị trưởng mạnh, cả thị trưởng và hội đồng đều do cử tri bầu ra. Thị trưởng là người đứng đầu hành pháp của địa phương, có quyền bổ nhiệm các quan chức hành chính và dự thảo ngân sách của địa phương.

Trong mô hình thị trưởng yếu, thị trưởng do hội đồng bầu ra. Thị trưởng có vai trò hạn chế hơn, chủ yếu chỉ mang tính chất nghi lễ. Thị trưởng chủ tọa các phiên họp của hội đồng, nhưng không có quyền hành pháp. Người điều hành mọi công việc hành chính, quản lý của địa phương là giám đốc điều hành (manager). Người này do hội đồng lựa chọn và làm việc theo chế độ hợp đồng với hội đồng.

Trên thế giới hiện nay, hai mô hình nói trên vẫn tồn tại song song. Mỗi mô hình đều có những điểm mạnh nhất định. Mô hình thị trưởng mạnh sẽ tạo hệ thống hành chính mạnh, quyết đáp, phản ứng nhanh trước các vấn đề của địa phương. Ngoài ra, cả thị trưởng và hội đồng đều do cử tri bầu ra, thì chế độ trách nhiệm trước cử tri sẽ cao hơn. Tính dân chủ nhờ đó cũng được tăng cường.

Mô hình thị trưởng yếu có vẻ lại có tính kỹ trị cao hơn. Các quyết định do cơ quan chính trị (hội đồng) ban hành, nhưng việc điều hành lại do một quan chức hành chính chuyên nghiệp (giám đốc điều hành) triển khai. Chế độ trách nhiệm đối với quan chức này rất rõ ràng và rất dễ áp đặt: không hoàn thành nhiệm vụ sẽ lập tức bị hội đồng cắt hợp đồng.

Với những điểm mạnh như trên, việc mô hình nào được lựa chọn, có lẽ, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện lịch sử và văn hóa của mỗi địa phương, mỗi nước.

Thứ hai, ở các nước trên thế giới, chính quyền địa phương thường được quan niệm là cấp chính quyền thấp nhất, gần dân nhất. Thông thường, chính quyền ở mỗi nước được chia thành ba cấp: trung ương, tỉnh, địa phương hoặc ba cấp: liên bang, tiểu bang, địa phương. Thị trưởng là một chức danh của chính quyền cấp địa phương. Đối với cấp tỉnh, cấp tiểu bang, thì người đứng đầu hành pháp được gọi là thống đốc, chứ không phải thị trưởng. Tuy nhiên, nhiều khi quyền lực của một thị trưởng chưa chắc đã bé hơn quyền lực của một thống đốc. Những thị trưởng của các thành phố với dân số lên đến hàng chục triệu người, có quyền lực không thua kém gì các thống đốc.

Ở nước ta, đáng lưu ý là Hiến pháp năm 1946 chia đất nước là năm cấp hành chính-chính quyền là: trung ương, bộ (Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ), tỉnh, huyện, xã. Trong năm cấp này có ba cấp chính quyền là trung ương, tỉnh và xã, còn cấp bộ và cấp huyện chỉ là cấp hành chính đơn thuần. Các cơ quan hành chính của cấp bộ do các tỉnh bầu ra; các cơ quan hành chính của huyện do các xã bầu ra. Hiện nay, chính quyền của nước ta được chia thành bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã. Phải chăng, chúng ta nên tiến hành cải cách để trở lại với mô hình chính quyền ba cấp như Hiến pháp năm 1946 đề ra và như tất cả các nước trên thế giới. Nếu chúng ta có chính quyền ba cấp thì chính quyền địa phương là cấp cuối cùng trong ba cấp đó. Và thị trưởng là một chức danh của chính quyền cấp này.

Vấn đề đặt ra là nên lựa chọn mô hình thị trưởng mạnh hay mô hình thị trưởng yếu? Muốn có sự lựa chọn chính xác ở đây, có lẽ, chúng ta cần phân tích làm rõ về việc với truyền thống lịch sử-văn hóa và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay, mô hình nào sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, một phép phân tích như vậy nhiều khi cũng hoàn toàn không dễ dàng. Cách làm hợp lý hơn, có lẽ, là thí điểm cả hai mô hình. Mỗi mô hình được thí điểm ở một địa phương khác nhau. Trên cơ sở kết quả thực tế của việc thí điểm, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và thể chế hóa thành mô hình chung cho cả nước.