THẾ GIỚI NĂM 2019

Chưa yên sóng gió

Những nỗ lực bền bỉ đối thoại và hợp tác đã giúp nới lỏng một vài nút thắt khủng hoảng. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cầu năm 2019 vẫn nổi bật là tình trạng bất ổn, cả về chính trị, kinh tế và an ninh. Đi qua 365 ngày nhiều sóng gió, con thuyền thế giới vẫn bấp bênh và cần thêm nỗ lực trên con đường tìm đến vùng biển êm.

Chưa yên sóng gió

Thỏa thuận phút cuối

Phải đến những tuần cuối năm 2019, mối lo dai dẳng trên thị trường thế giới mới được xoa dịu phần nào, nhờ một loạt thỏa thuận đạt được vào phút chót. Sau quãng thời gian dài “căng như dây đàn”, thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được Trung Quốc và Mỹ nhất trí, đàm phán thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc được nối lại, ba đối tác Bắc Mỹ ký văn bản cuối cùng của Hiệp định Mỹ - Mê-hi-cô - Ca-na-đa (USMCA), hay lộ trình Brexit chắc chắn hơn sau cuộc bầu cử Quốc hội Anh (trong ảnh)... Về lý thuyết những thỏa thuận này có thể tạo “cú huých”, giúp khôi phục lòng tin kinh doanh, qua đó thúc đẩy đầu tư và sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng thương mại toàn cầu. Song, tính bất định trong cuộc cạnh tranh thương mại và chiến lược giữa những nền kinh tế lớn, cùng những diễn biến địa chính trị phức tạp và khó lường trên thế giới khiến tương lai kinh tế toàn cầu còn bấp bênh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ tăng trưởng 3% năm 2019, kinh tế thế giới phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc “đại khủng hoảng” giai đoạn 2008-2009.

Dù giúp hạ nhiệt căng thẳng, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn chỉ là “giai đoạn đầu”, trong khi phía trước là cuộc thương lượng toàn diện, khó khăn hơn nhiều. Được xem là “phiên bản 2.0” của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), USMCA được sửa đổi vào phút chót, song khả năng vượt “cửa ải” nghị viện ba nước thành viên còn “bỏ ngỏ”. Đối thoại được nối lại sau khi Hàn Quốc tạm gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, song bất đồng về quy định xuất khẩu không thể nhanh chóng được loại bỏ, nếu tranh cãi thương mại vẫn bị gắn với vấn đề an ninh. Tiến trình rời Liên hiệp châu Âu (EU) của nước Anh trải qua một năm với vô vàn sóng gió, dù đích đến đã rõ, hai bên còn nhiều cam go, khi chỉ có vỏn vẹn 11 tháng đàm phán thời “hậu Brexit” để hoàn tất thỏa thuận thương mại song phương...

Cạnh tranh chiến lược gay gắt

Bức tranh chính trị, an ninh toàn cầu năm 2019 cũng có nhiều diễn biến bất ngờ, nổi lên là sự cạnh tranh và chuyển dịch chiến lược trong bối cảnh chia rẽ gia tăng. Thỏa thuận bước đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời mở ra “thời kỳ hòa hoãn” giữa hai đối thủ chiến lược lớn nhất thế giới. Là dịp kỷ niệm tròn 40 năm quan hệ ngoại giao, song năm 2019 lại chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt, khiến quan hệ Mỹ - Trung rơi vào cục diện cực kỳ phức tạp, triển vọng hóa giải các mâu thuẫn tích tụ không dễ dàng. Tương tự, sau những các bước đi lịch sử, quan hệ Mỹ - Triều và tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng “chậm mà không chắc”. Cuộc gặp lần hai giữa các nhà lãnh đạo hai nước chưa thể khơi dòng đối thoại, khi hai bên duy trì lập trường cứng rắn dù vẫn sẵn sàng đàm phán.

Ngoài điểm sáng là “bộ tứ Noóc-man-đi” (Normandy) nối lại đối thoại, mở ra triển vọng giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở vùng Đôn-bát (Donbass), cũng như cải thiện quan hệ U-crai-na - Nga, thì quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trải qua một năm trầm lắng. Các lệnh trừng phạt Nga vẫn không được Mỹ và EU dỡ bỏ, trong khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ, tạo “tiền lệ” nguy hiểm cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) giữa Mỹ và Nga, cũng như cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Việc Mỹ rút khỏi các trách nhiệm quốc tế dường như tạo cơ hội cho sự chuyển dịch chiến lược và những “nỗ lực trỗi dậy”. Mỹ và các đồng minh NATO vốn căng thẳng vì gánh nặng tài chính, lại bất đồng về các bước đi tại chiến trường Xy-ri (Syria), khi Mỹ rút lực lượng, còn Thổ Nhĩ Kỳ tiến công quân sự mà không hề tham vấn đồng minh. Sự chia rẽ của NATO còn được thấy rõ trong bình luận trái chiều của lãnh đạo Pháp, đúng dịp khối quân sự xuyên đại dương tròn 70 tuổi...

Bão mới nổi lên

Mối lo khủng bố giảm bớt, khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại tại cả Xy-ri và I-rắc (Iraq), song những điểm nóng truyền thống ở Trung Đông thì vẫn còn nguyên, thậm chí bão tố mới lại nổi lên. Trung Đông năm 2019 nhiều lần rơi trở lại tình trạng nghẹt thở, nhất là sau vụ tiến công các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và các cơ sở lọc dầu của A-rập Xê-út (Saudi Arabia). Trong tình thế đối đầu, Mỹ tập hợp liên minh nhằm “bảo đảm an ninh vùng Vịnh”, còn I-ran (Iran) giảm nhanh việc thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ngoài vấn đề an ninh, Trung Đông năm 2019 còn ghi dấu mốc bất ổn mới, với làn sóng phản đối chính phủ ở nhiều nước trong khu vực, xô đổ những chiếc ghế thủ tướng ở I-rắc, Li-băng (Liban)..., hay bế tắc chính trị khiến I-xra-en (Israel) không thể lập chính phủ sau hai cuộc bầu cử khó khăn.

Đáng chú ý là, bất ổn lan tới những điểm nóng mới, ở châu Phi và khu vực Nam Mỹ. Bất mãn về khó khăn kinh tế, thiếu việc làm và bất bình đẳng thu nhập là nguyên nhân khởi phát làn sóng phản đối. Tại Xu-đăng (Sudan) hay An-giê-ri (Algeria), phong trào biểu tình khiến các nhà lãnh đạo lâu năm phải từ bỏ quyền lực, song khó khăn vẫn chưa hết. Tương tự, tại khu vực Mỹ la-tinh, từ Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela), Ác-hen-ti-na (Argentina), hay Bô-li-vi-a (Bolivia), cho đến Chi-lê (Chile), Ê-cu-a-đo (Ecuador) hay Cô-lôm-bi-a (Colombia), nguồn cơn bất ổn đều xuất phát từ các vấn đề kinh tế, bất bình đẳng xã hội và thiếu lòng tin chính trị...

Năm qua cũng hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, mà nguyên nhân không thể chối bỏ là từ tình trạng Trái đất ấm lên ngày càng nghiêm trọng, người dân trên toàn thế giới đã thổi bùng chiến dịch tuần hành, biểu tình chống biến đổi khí hậu. Ấy vậy mà, cơ hội hành động vì hành tinh vẫn bị bỏ lỡ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP25)…