Chinh phục thị trường Nhật Bản

Các sản phẩm nông sản nói riêng và thực phẩm nói chung của Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản. Với năng lực sản xuất lớn như hiện nay, vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường “khó tính” này trong những năm tới. 

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: THU THỦY
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: THU THỦY

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ngày 8/4 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hiện nay sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Nhật Bản khá đa dạng, từ các mặt hàng tươi như hoa quả đến thực phẩm đóng gói, đông lạnh. Gần đây, đã có một số sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng ở Nhật ưa chuộng. Hiện, đại diện thương mại của Việt Nam và Nhật Bản cũng đang đàm phán về xuất khẩu quả nhãn tươi sang thị trường Nhật Bản, cùng với trước đó là vải tươi, nhằm thu hút thêm sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản.

Trước đó, mặt hàng nhãn đông lạnh đã được xuất khẩu và nhận được những đánh giá chất lượng tốt. Khi sang Nhật Bản, thịt quả nhãn vẫn tươi, không bị mất nước. Dù vậy, theo ông Minh, mỗi loại quả xuất khẩu đi phải tuân thủ các biện pháp xử lý khác nhau. Chẳng hạn, thanh long, xoài phải xử lý nhiệt (bằng hơi nước nóng hơn 40oC). “Chi phí xử lý này rất đắt, gần đây một số doanh nghiệp đã mua quy trình xử lý hơi nước, song phía Nhật Bản lại chỉ chấp nhận máy móc có xuất xứ và đáp ứng yêu cầu của nước họ, vì vậy các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý những vấn đề này”, ông Minh chia sẻ. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài, tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá hàng địa phương. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản, tiềm năng của nông sản Việt vẫn chưa được phát huy hết và cần phải tăng cường cơ chế liên kết, chung tay giữa “Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp”. Về phía nhà nông, ông Đức cho rằng, cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua xây dựng kế hoạch bài bản, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống, nhất là truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo nền tảng để xuất khẩu bền vững. 

“Tôi nhận thấy nông, dược liệu của Việt Nam rất dồi dào, phong phú. Nhiều khu vực có vùng đất tốt, thời tiết khí hậu phù hợp đa dạng các loại rau, củ, cây trồng, có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Những nguồn nguyên liệu đó được doanh nghiệp Nhật Bản hết sức quan tâm”, ông Đức chia sẻ. Tuy vậy, đối tác Nhật Bản coi trọng vấn đề uy tín, do đó nhà cung cấp phải bảo đảm chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình hợp tác. Ngoài sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến đã có các quy định chi tiết, thì hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may cũng phải đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lỗi, hỏng thấp.

Tại phiên tư vấn, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư vào dây chuyền kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật Bản hoặc châu Âu. Trước khi giao thương, nếu doanh nghiệp trong nước chưa nắm rõ đối tác hoặc đơn hàng xuất khẩu lớn nên thông qua Thương vụ để xác minh thông tin, duy trì trao đổi để khi có sự cố được hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Trong kết nối giao thương với đối tác Nhật Bản, ngôn ngữ còn là rào cản lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, khi xây dựng hồ sơ giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp nên sử dụng cả tiếng Nhật Bản, hoặc ít nhất là tiếng Anh để đối tác nắm được thông tin. Doanh nghiệp cũng nên xây dựng website cung cấp thông tin về sản phẩm, quy mô doanh nghiệp, doanh thu, chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng để đối tác cảm nhận được sự chuyên nghiệp, uy tín của mình.

Đến nay, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa, một số loại cà-phê, hoa quả tươi và hoa quả đông lạnh… Một khi sản phẩm thực hiện theo các quy trình sản xuất nghiêm ngặt thì con đường chinh phục thị trường Nhật Bản lại càng rộng mở.