Chiếc “la bàn” trên hành trình phát triển

Trong bối cảnh thể thao hiện đại phát triển nhanh chóng, khoa học thể thao trở thành yếu tố đóng vai trò quyết định vào khả năng thành công của các đội tuyển quốc gia khi “chinh chiến” trên đấu trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Golf Việt Nam chinh phục huy chương vàng SEA Games nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ trong đào tạo.
Golf Việt Nam chinh phục huy chương vàng SEA Games nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ trong đào tạo.

Báo cáo của Viện Khoa học thể thao tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho thấy thể thao nước nhà đang thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực phục vụ nghiên cứu khoa học. Điều kiện cơ sở vật chất trong nước còn hạn chế. Nguồn nhân lực chuyên môn phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy thiếu thốn, các công trình nghiên cứu chuyên sâu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhìn vào bộ môn đấu kiếm, chúng ta giờ không còn duy trì vị thế đứng đầu Đông Nam Á, trong khi Singapore đã vươn lên phát triển rất nhanh. Không có đủ kiếm tập, việc nhập khẩu dụng cụ tập luyện, thi đấu, đặc biệt là giáp, bảng chấm điểm điện tử, cũng gặp khó khăn do các quy định ngặt nghèo của Nhà nước. Ở nhiều địa phương, phần lớn thời gian tập luyện của vận động viên là tập chay và chấm điểm chay, tức là huấn luyện viên đánh giá hoàn toàn bằng... mắt thường.

Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng, sinh lý học thể thao đều rất khiêm tốn, khiến việc cải thiện thành tích không thể bắt kịp với xu thế chung của khu vực cũng như trên thế giới. Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Trong hai năm qua, chúng tôi tập trung các đề tài về vấn đề dinh dưỡng với các môn thể thao trọng điểm. Để các vận động viên ăn uống đầy đủ cần phải có các chuyên gia và phần mềm hỗ trợ. Tối ưu nhất là ứng dụng phân tích hình ảnh để đong đếm các thành phần dinh dưỡng, vitamin khoáng chất, năng lượng... Khi lý thuyết đã có, việc triển khai cũng cần tới đội ngũ nhân sự cũng như phần mềm hỗ trợ đi kèm.

Với tình hình cắt giảm biên chế, đội ngũ làm khoa học ở các trung tâm rất ít. Mỗi môn thể thao lại có đặc thù riêng. Một nhà khoa học không thể nắm rõ tất cả các môn. Thể thao Việt Nam cần sự giúp sức của các chuyên gia đầu ngành để phân tích, đánh giá, xem xét các mặt hạn chế của từng vận động viên, từ đó hỗ trợ xác định lộ trình, phương hướng phát triển để cải thiện thành tích.

Nếu quan sát kỹ, thành tích của thể thao Việt Nam đạt được có mối liên hệ mật thiết với sự đầu tư cho khoa học công nghệ. Golf lần đầu có được trọn bộ huy chương vàng, bạc và đồng SEA Games 32 đã tạo nên cú huých lớn cho sự phát triển của môn thể thao này. Sự chuyển mình mạnh mẽ được thấy rõ khi công nghệ hỗ trợ thông minh xuất hiện ngày càng nhiều tại các sân golf, học viện, trung tâm đào tạo trên cả nước.

Bên cạnh sân cỏ truyền thống, hệ thống phòng golf 3D được xây dựng với đầy đủ trang thiết bị, hệ thống camera... nhằm ghi lại và phân tích chính xác các chỉ số của cú đánh. Điều này giúp golfer hiểu rõ hơn về vị trí cơ thể, điểm chạm bóng, hướng bóng... để điều chỉnh kỹ thuật cá nhân một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Việc nắm bắt dữ liệu và thông số sẽ giúp vận động viên nhận biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, ban huấn luyện có thể xây dựng lộ trình tập luyện cả về thể chất, kỹ thuật, chiến thuật và tâm lý.

“Liên quan bài toán chuyển đổi số, mỗi vận động viên có nhiều chỉ số về hình thái, thể lực, tâm sinh lý. Vì vậy, khối lượng dữ liệu rất lớn, mang tính chất vô cùng quan trọng nên ngành cần phải triển khai phân tích, nhằm xây dựng và điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, chiến thuật thi đấu. Ngoài ra, chúng ta cũng phải ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu nhằm định hướng cho vận động viên. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng buộc chúng ta phải tiếp cận nếu không muốn bị tụt hậu”, Cục trưởng Đặng Hà Việt bày tỏ.

Trong khu vực, Thái Lan đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu dinh dưỡng, tâm lý học thể thao, và công nghệ phân tích hiệu suất. Nước bạn cũng đã hoàn thành Kế hoạch cơ bản quốc gia 10 năm về khoa học và công nghệ (từ năm 2012), qua đó giành được thành tích ấn tượng tại các kỳ ASIAD và Olympic.

Muốn thu hẹp khoảng cách với các đối thủ trong khu vực, thể thao Việt Nam cần phải nhanh chóng đầu tư phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Đây chính là chiếc “la bàn” chính xác giúp chúng ta cải thiện và tiến xa trên hành trình phát triển.

Như khẳng định của ông Đặng Hà Việt, khoa học và huấn luyện nên song hành. Việt Nam cần sớm thay đổi tư duy, bắt đầu từ việc học hỏi những quốc gia trong khu vực, nơi đã chứng minh được sức mạnh của việc đầu tư vào khoa học thể thao, trước khi vươn đến các mô hình hiện đại hơn từ các nước phát triển.