Chạy thử thành công tuyến metro số 1

Sau 10 năm chờ đợi, đoàn tàu đầu tiên đã lăn bánh gần 9km trên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) tổ chức chạy thử. Từ đó, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai dự án, tiến tới khai thác thương mại tuyến metro số 1 vào cuối năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến metro số 1 chạy thử thành công, tạo tiền đề cho việc vận hành chính thức cuối năm 2023.
Tuyến metro số 1 chạy thử thành công, tạo tiền đề cho việc vận hành chính thức cuối năm 2023.

Trải nghiệm khó quên

Hơn 8 giờ sáng 21/12, tại khu vực ga Suối Tiên (TP Thủ Đức), đông đảo người dân đã đứng chờ để được tham gia chạy thử trên tuyến metro số 1. Nhiều người dân chưa kịp đăng ký lên tàu cũng đến ga Suối Tiên với hy vọng sẽ được bổ sung vào danh sách tham gia buổi chạy thử. Thấy sự phấn khởi của người dân, nhân viên MAUR đã hướng dẫn những người chưa có tên trong danh sách đến ga Bình Thái để đăng ký tham gia lên tàu chạy về lại Suối Tiên.

Từ ga Suối Tiên, tiếng loa vang lên. Nhân viên phát thanh không giấu nổi vẻ xúc động khi cất lời thông báo: “Xin mời hành khách lên tàu…”. Sau đó, khoảng 100 hành khách đầu tiên bước lên ba toa tàu. Đoàn tàu metro số 1 kéo hồi còi dài, từ từ lăn bánh giữa rộn rã tiếng vỗ tay của mọi người.

Theo MAUR, đoàn tàu metro chạy thử gồm ba toa với tổng chiều dài 61,5m, có sức chở 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ thiết kế cao nhất là 110km/giờ (đoạn đi trên cao) và 80km/giờ (đoạn đi dưới hầm). Thế nhưng, trong buổi thử nghiệm, đoàn tàu chỉ chạy với tốc độ dưới 40km/giờ để bảo đảm an toàn. Với tốc độ chạy thử, đoàn tàu đã chạy qua năm ga với chiều dài gần 9km trong khoảng 25 phút.

Sau khi rời ga Suối Tiên, tàu đi qua ga Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đến ga Khu công nghệ cao, ga Thủ Đức và ga Bình Thái. Nhiều hành khách trải nghiệm một chiều đi đã xuống ga Bình Thái, tuy nhiên, nhiều người vẫn háo hức được tiếp tục trải nghiệm nên ngồi lại để trở về ga Suối Tiên.

Theo MAUR, khối lượng xây dựng nhà ga Khu công nghệ cao đã đạt đến 99% tổng khối lượng chung; phần kiến trúc và các công việc liên quan đến cơ khí, điện cũng đã hoàn thiện cơ bản. Còn ga Bình Thái đã đạt được 96% tổng khối lượng công việc, các hạng mục liên quan phần kiến trúc và cơ điện đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện cơ bản vào tháng 12 này.

Có mặt từ 6 giờ sáng để được lên tàu metro, ông Trần Ngọc Đức (ngụ tại quận Gò Vấp) không giấu được sự xúc động khi lần đầu tiên được đứng trong đoàn tàu metro hiện đại sau cả chục năm mòn mỏi chờ đợi. “Khi đi qua những đoạn trên cao mới thấy được thành phố mình thật đẹp đẽ làm sao. Giấc mơ chính thức sử dụng đường sắt trên cao của người dân như tôi không còn xa nữa. Mong rằng, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều tuyến metro được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực cho thành phố phát triển không ngừng”, ông Đức vui mừng chia sẻ.

Tương tự, tâm trạng phấn khích cũng được cụ ông Lê Văn Ninh (gần 90 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) thể hiện trong ngày đầu đoàn tàu metro số 1 chuyển động. “Khi đặt chân lên tàu, cảm giác đầu tiên là tôi rất tự hào vì TP Hồ Chí Minh đã có tuyến đường sắt hiện đại. Sau khi được trải nghiệm, đoàn tàu đã không làm tôi thất vọng. Tàu đẹp, hiện đại, sạch sẽ, rộng rãi, mát mẻ và chạy rất êm ru!”, cụ ông Lê Văn Ninh bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên Trường cao đẳng Đường sắt cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để được trải nghiệm trên đoàn tàu chạy thử. Các bạn sinh viên đều chung niềm vui, tâm trạng thoải mái và thích thú khi may mắn là những người đầu tiên được trải nghiệm. Nhiều bạn trẻ tranh thủ cầm điện thoại lên quay video, chụp hình ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này, cùng với đó là chia sẻ cùng bạn bè, người thân xem.

Là chuyên gia theo sát dự án metro thành phố ngay từ những ngày đầu, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường cũng rất xúc động và vui mừng khi sau

10 năm chờ đợi, bây giờ được thấy tàu lăn bánh. “Tôi rất vui và phấn khởi khi chính quyền thành phố cùng chủ đầu tư đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đưa dự án về đích”, ông Trường nói.

Là người gắn bó nhiều năm với tuyến metro số 1 trên cương vị Giám đốc MAUR, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất vui khi tàu chạy thử nghiệm. Ông Bùi Xuân Cường khẳng định, đây là cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, thúc đẩy tuyến metro số 1 đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2023.

Tạo tiền đề để triển khai các tuyến metro tiếp theo

Trước khi chạy thử, Công ty Hitachi (Nhật Bản) đã kéo đoàn tàu từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái để kiểm tra các hệ thống liên quan như đường ray, trạm cấp điện, hệ thống tiếp điện trên cao…, để bảo đảm công tác vận hành suôn sẻ và an toàn. Chia sẻ về buổi chạy thử, Giám đốc dự án của Công ty Hitachi Kazuhiko Nagasawa cho hay, sau sự kiện đáng nhớ này, theo kế hoạch trong năm 2023, công ty cùng với các nhà thầu phụ sẽ huy động mọi nguồn lực để tiếp tục công việc lắp đặt và thử nghiệm tất cả các hệ thống trong khu vực Depot, cầu cạn và hầm…

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Phó Trưởng ban MAUR Nguyễn Quốc Hiển cho biết, đầu quý II/2023, MAUR sẽ lắp đặt toàn bộ thiết bị và tiếp tục chạy tàu thử nghiệm các đoạn còn lại. Dự kiến quý III/2023, tuyến metro

số 1 sẽ thử nghiệm chạy những đoạn còn lại trên tuyến. Bước thử nghiệm cuối cùng là khai thác thử với nhân viên vận hành, nhà ga, nhân viên điều độ giống như chạy thật. Song song với quá trình thử nghiệm, nhân viên tư vấn cũng sẽ đánh giá tính an toàn của công trình trước khi đưa vào vận hành chính thức. Sau giai đoạn khai thác thử của toàn hệ thống, MAUR sẽ đánh giá tổng thể các rủi ro và nếu mọi việc thuận lợi, cuối năm 2023, tuyến metro số 1 sẽ được bàn giao cho TP Hồ Chí Minh để đưa vào khai thác chính thức.

Để bảo đảm cho quá trình khai thác hiệu quả tuyến metro số 1, các cầu bộ hành dọc tuyến Xa lộ Hà Nội (chạy song song với tuyến metro) dự kiến cũng sẽ được hoàn thành năm 2023, nhằm giúp người dân tiếp cận đi lại trên tuyến metro thuận lợi và dễ dàng hơn. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng thêm các trạm dừng, nhà chờ xe bus để bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống xe bus với metro.

Dù trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã sắp về đích tuyến metro số 1. Đây cũng là bài học và kinh nghiệm rất quý báu để chúng ta triển khai hiệu quả hơn các tuyến metro tiếp theo trong tương lai.

Không chỉ với tuyến metro số 1, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường cũng bày tỏ mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) để phục vụ tốt nhất, sớm nhất có thể cho người dân. Trong tương lai, các tuyến metro sẽ giúp thay đổi thói quen đi lại xe cá nhân bằng việc đi lại trên các loại hình vận tải hành khách công cộng của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho hay, tuyến metro số 1 không chỉ tạo dấu ấn là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP Hồ Chí Minh mà còn giúp kết nối khu vực phía đông với trung tâm thành phố, kết nối tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, từ đó, kết nối các khu đô thị mới, khu công nghệ cao, làng Đại học Quốc gia… “Điều đáng nói, tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ tạo động lực đúng tiến độ tuyến metro số 2, dần hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Qua đó, đưa loại hình vận tải hành khách công cộng hoàn toàn mới, rất hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường đến phục vụ người dân, cũng như bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội, đô thị dọc tuyến metro”, ông Bùi Xuân Cường cho hay.

Theo thông tin từ MAUR, đến nay, dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thành khoảng 94% khối lượng với 54 triệu giờ công lao động an toàn. Tuyến metro số 1 khởi công năm 2012, dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Tuyến có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn có ba toa dài 61,5m với sức chứa 930 hành khách. Tốc độ cao nhất là 110km/giờ đoạn trên cao và 80km/giờ đoạn ngầm.

Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có tám tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư gần 25 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới triển khai hai dự án là tuyến metro số 1 hơn 43.700 tỷ đồng và metro số 2 gần 47.900 tỷ đồng. Do vậy, thành phố đề xuất ưu tiên đầu tư thêm sáu tuyến metro giai đoạn từ nay đến năm 2035 với tổng nhu cầu vốn hơn 200.000 tỷ đồng. Cụ thể, tuyến metro số 5 (giai đoạn 1, từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài 8,9km với tổng vốn hơn 38.700 tỷ đồng. Năm tuyến còn lại gồm: Số 3a (giai đoạn 1, từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây) dài gần 10km với tổng vốn 41.800 tỷ đồng; số 4 (giai đoạn 1, từ Thạnh Xuân - Nguyễn Văn Linh) dài gần 21km, tổng vốn 58.185 tỷ đồng; số 2 (giai đoạn 2, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) dài 9,1km, tổng vốn 32.604 tỷ đồng; số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) dài 12,1km, tổng vốn 41.140 tỷ đồng và số 4b (công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 5,2km, tổng vốn 24.200 tỷ đồng.