Chặt "vòi bạch tuộc" tội phạm công nghệ

Tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả khó lường không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các quốc gia trên thế giới. Do đó cần sự phối hợp liên ngành, với sự ủng hộ của người dân để chặt đứt "vòi bạch tuộc" loại tội phạm này.
0:00 / 0:00
0:00
Một số đối tượng lừa đảo bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.
Một số đối tượng lừa đảo bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.

Thủ đoạn và công nghệ ngày càng tinh vi

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bắt giữ đối tượng Nông Hữu Chiến và Triệu Văn Biển (cùng trú tại tỉnh Lạng Sơn) khi đang có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để phát tán các tin nhắn phục vụ hoạt động đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Hà Nội, ngày 27/3. Quá trình bắt giữ, lực lượng chức năng thu giữ máy tính xách tay HP Probook, thiết bị viễn thông (BTS), bộ phát sóng wi-fi di động, ăng-ten, bộ chuyển đổi nguồn điện và một xe ô-tô. Hai đối tượng Chiến và Biển khai nhận trước khi bị bắt khoảng hai giờ đồng hồ đã sử dụng các thiết bị này để phát tán trái phép khoảng 10.000 tin nhắn tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hà Nội. Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Nhóm đối tượng mua thiết bị từ nước ngoài về lắp ráp, hoạt động lưu động, liên tỉnh, sử dụng công nghệ rất tinh vi, nếu không kịp thời xử lý thì hậu quả rất khó lường.

Tại Thừa Thiên Huế, mới đây Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp triệt phá đường dây lừa đảo công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 100 tỷ đồng. Nhóm đối tượng gồm Nguyễn Xuân Minh Tuấn, Nguyễn Xuân Minh Vũ, Nguyễn Hồ Quỳnh Uyên, Nguyễn Thị Minh Nhật đã thu thập, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… rồi chuyển cho các nghi phạm ở Singapore và Philippines. Từ đó, các nghi phạm ở nước ngoài tiếp tục kết nối, lừa đảo những người trong nước, chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản để chiếm đoạt tiền và các hoạt động phạm pháp bằng công nghệ cao.

Đó chỉ là hai trong hàng trăm vụ mà lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trong vòng hai năm qua. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Chúng thường sử dụng các thủ đoạn như, giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại (qua giao thức VOIP), mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, lo lắng, sau đó các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để chiếm đoạt tài sản. Không ít đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn đầu tư bất hợp pháp về chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, Forex, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… Theo các chuyên gia công nghệ, các đối tượng còn tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng trên các tài khoản mạng xã hội, rồi sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video giả mạo để lừa đảo.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chỉ ra 21 hình thức lừa đảo thường xuyên bằng công nghệ, như: lập các trang web, tin nhắn, email giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để gửi tin nhắn lừa đảo bạn bè, người thân của chính chủ; thông báo vi phạm pháp luật khiến nạn nhân hoang mang; lập trang bán hàng online trên Facebook để lừa đảo…

Siết quy định pháp lý và công nghệ

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng phạm pháp, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết: Công an thành phố sẽ tăng cường nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng và kịp thời tình hình trên không gian mạng; chủ động tham mưu cho các cơ quan chức năng thành phố quán triệt, triển khai các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó chú trọng đến tội phạm sử dụng công nghệ cao; phối hợp Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp truy tố, xét xử lưu động các vụ án liên quan để răn đe, phòng ngừa.

Hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng, phát triển Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin đặc biệt là lừa đảo; thiết lập Cổng thông tin khonggianmang.vn tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan lừa đảo trực tuyến nói chung và an toàn thông tin nói riêng, cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp người dân tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Trưởng phòng Giám sát an toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: "Ngoài biện pháp tuyên truyền, chúng tôi cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật: Vận hành hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, hệ thống đã bảo vệ hơn 1,6 triệu người dân trước các cuộc tấn công lừa đảo, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website an toàn, trong đó có bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân cho 3.163 website chính thống. Tại đây cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan các cuộc lừa đảo; triển khai Chiến dịch bóc gỡ mã độc hằng năm trên toàn quốc nhằm loại bỏ nguy cơ mã độc đánh cắp dữ liệu thông tin cá nhân".

Về lâu dài, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý việc mở thẻ, sử dụng thẻ ngân hàng, thanh toán qua biên giới; Có chế tài xử lý, quản lý đối với các trường hợp mua, bán tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn hành vi thuê người đi mở rồi thu mua tài khoản ngân hàng sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật; Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về "tiền ảo" để xác định phạm vi điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.

Luật sư Ðặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Cần tăng cường công tác quản lý các dịch vụ viễn thông, dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế những tình huống các đơn vị này vô tình hay cố ý tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Quản lý chặt chẽ các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, các phương tiện trung gian thanh toán, các thẻ sim điện thoại và xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Đây là những nguyên nhân trực tiếp, khiến cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.