Tiềm năng tài nguyên đa dạng, phong phú
Trong một hội thảo gần đây với chủ đề phát triển Ninh Bình, TS Mai Thanh Sơn - một nhà nghiên cứu văn hóa, nhân học được nhiều người biết, đã nêu ý tưởng xây dựng một điểm giới thiệu tập trung hình ảnh văn hóa và sinh cảnh tự nhiên của Việt Nam: “Nước Mỹ có Smithsonian National Zoological Park, Nhật Bản có Japanese Garden, Trung Quốc có Trung Hoa Cẩm tú ở Thâm Quyến - là địa chỉ du lịch rất nổi tiếng với 82 mô hình phiên bản thu nhỏ các công trình kiến trúc nổi tiếng, các khu thôn trại, làng văn hóa phong tục dân tộc… Ở Việt Nam chưa có mô hình điểm đến kiểu/dạng như thế, và chúng ta có thể xây dựng một “Vietnamese Garden”, tại sao không ?”.
Dựa trên những tiềm năng tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, miền đất cố đô/di sản Hoa Lư - Tràng An đủ điều kiện và thích hợp để phát triển du lịch văn hóa nhân văn là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc điểm thiên nhiên, môi trường, truyền thống lịch sử - văn hóa đã để lại cho vùng đất này hệ thống di sản phong phú, đa dạng, có giá trị đặc sắc, mang tầm quốc gia và quốc tế với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu đã được ghi nhận. Con người đã sinh sống ở đây cách nay hơn ba vạn năm. Đến thế kỷ X, Hoa Lư là nơi khởi nguồn và phát triển ý chí quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ, tự cường. Ninh Bình có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và đặc sắc, chạy dài theo các điểm quần cư từ vùng núi - rừng đến vùng ven biển - đất ngập. Ninh Bình có hệ sinh thái môi trường thiên nhiên phong phú, có rừng quốc gia Cúc Phương - đầu tiên ở Việt Nam, có khu Ramsa thế giới Vân Long, có rừng đặc dụng Hoa Lư… Vấn đề đặt ra là cần khơi dậy, phát huy những thế mạnh để những tài nguyên đó tỏa sáng các giá trị thiên nhiên, văn hóa, đất nước, con người Ninh Bình và Việt Nam, cùng đóng góp thiết thực về mặt kinh tế.
Vài gợi ý để du lịch Ninh Bình bay cao và xa hơn
Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình có những bước phát triển mạnh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Ninh Bình đã đón gần 7,4 triệu lượt khách. Đó là con số vui mừng, gây niềm phấn khởi và tự tin. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An được tổ chức UNESCO đánh giá là hình mẫu về việc kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trưởng cảnh quan, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, bảo đảm lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Số ngày lưu trú của du khách ở Ninh Bình còn khá thấp là vấn đề cần quan tâm. Để lưu khách, một “Phố cổ Hoa Lư” mới được dựng với kịch bản còn sơ khai - thả hoa đăng, trình diễn một vài trích đoạn nghệ thuật truyền thống, một vài trò chơi dân gian… và nguồn hàng - sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực…, tương đối đơn điệu là chưa đủ. Du khách, đặc biệt là khách VIP, muốn “sống thật” chất lượng cao chứ không chỉ “sống ảo” màu mè thoáng qua. Nhưng mảng kinh doanh - giải trí hiện đại và shopping “đồ hiệu” ở Ninh Bình còn rất mờ nhạt.
Văn hóa ẩm thực phải phát triển đồng bộ cả về nội dung (để hấp dẫn, mời gọi) và mở rộng, nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất (để phục vụ chu đáo du khách). Gần xa đều biết “cặp đôi” thịt dê - cơm cháy đã trở thành thương hiệu ẩm thực riêng của Ninh Bình. Nhưng còn nhiều món thế mạnh vốn/đã có (canh cá rô, rượu Kim Sơn...) cần quảng bá nhiều hơn. Những người làm công tác phát triển du lịch nên nghiên cứu, phối hợp cùng với các nghệ nhân để tạo ra các sản phẩm mới, độc, lạ, hấp dẫn.
Vốn cổ nghệ thuật truyền thống có thể/cần khai thác mạnh hơn (trình diễn chèo, ca trù, múa rối, hầu bóng…) để phục vụ loại hình du lịch văn hóa, để du khách thấy những đặc sắc và riêng có của Ninh Bình. Tuy nhiên cần nghiên cứu để loại hình du lịch này có thêm sức hấp dẫn. Kết hợp cổ truyền - các đường nét cổ có ý nghĩa nhân văn trong nội dung, và hiện đại - khi thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh, kỹ xảo, nhạc cụ, đạo cụ…, khi chuyển tải tác phẩm là một gợi ý tốt. Ngoài ra còn cần tăng kết nối Di sản thế giới Tràng An với các khu vực di sản khác trong tỉnh để du khách biết/đến Tràng An cũng có cái nhìn tổng thể về “Vùng văn hóa Ninh Bình”.
Ở chiều ngược lại, điều cần tránh lại là hội chứng “phát triển nóng” sẽ gây quá tải và nhiều tác hại khác. Du lịch là ngành có nhiều tác động xấu đến môi trường sinh thái nếu không đươc quản lý tốt. Bên cạnh việc mở rộng, luôn phải bổ sung/tái tạo sinh thái/tài nguyên thì du lịch mới phát triển bền vững.