1/Nhiều giải thưởng, bằng khen đã được trao cho các tiết mục xuất sắc. 400 nghệ nhân, diễn viên Tày, Nùng, Thái của 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng) đã làm say đắm bao du khách bằng những làn điệu then cổ, then mới, hòa tấu đàn tính, múa then… Tình yêu bản sắc của đồng bào đã khiến nhiều người cảm phục, nhất là đối với bà con Tày, Nùng, Thái đến từ mảnh đất Tây Nguyên. Dù xa quê, đồng bào di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… vẫn cố gắng bằng nhiều cách để làn điệu quê hương vẫn vang vọng nơi đại ngàn.
Vào Đắk Nông từ năm 1996, nghệ nhân Hoàng Văn Quốc chia sẻ, người Tày, Nùng chúng tôi luôn hòa nhịp với 40 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng nhưng cùng gắn kết với nhau trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, sinh hoạt cộng đồng… Trong đó văn hóa Tày, Nùng, Thái như những mảng màu đẹp làm rực rỡ thêm bức tranh đa sắc mang tên Đắk Nông.
Phong trào hát then, đàn tính cũng tỏa rộng tới các thôn, xã có người Tày, Nùng sinh sống. Riêng huyện Cư Jút đã có tới 5 câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên. Cây đàn tính luôn xuất hiện bên các bếp nhà, trên chòi rẫy. Từ những ái ngại ban đầu, lớp thanh thiếu niên Tày, Nùng đã dần quen, thích thú rồi tự hào về câu hát, tiếng đàn của dân tộc mình. Nghệ nhân Hoàng Văn Quốc kể, đi nương về chỉ cần với cây đàn tính nảy vài giai điệu đã thấy tinh thần sảng khoái, bao mệt nhọc đều tan biến. Hát then, đàn tính có thể hòa nhịp với nhiều loại hình âm nhạc khác. Khi viết bài “Đăk Nông đón bạn”, nghệ nhân Quốc đã phối trộn âm hưởng Tây Nguyên vào giai điệu then, tạo thêm nét mới, hấp dẫn cho tác phẩm.
Còn nghệ nhân Triệu Thị Sa (quê Cao Bằng), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then, đàn tính liên thế hệ huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết, lúc vào trong này (năm 1992) rồi thì nhớ quê lắm, nhớ bao phong tục từ sinh hoạt hằng ngày tới các lễ hội, nhất là làn điệu hát then, đàn tính dân tộc mình. Mình chủ động rủ chị em trong xã lập câu lạc bộ hát then, đàn tính cho đỡ nhớ quê. Mày mò học hỏi, truyền dạy cho nhau, dần dần ai cũng thành thục, rồi sáng tác các bài hát then mới ca ngợi quê hương thứ hai Lâm Đồng.
Một lớp truyền dạy hát then, đàn tính tại Đắk Lắk. |
2/Nhiều nơi, đồng bào đã tạo thêm thu nhập từ việc duy trì bản sắc. Vào Tây Nguyên năm 1990 từ quê hương Quảng Hòa, Cao Bằng, nghệ nhân làm đàn tính Nông Văn Tân (38 tuổi), huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã mày mò học để chế tác bằng được cây đàn tính từ năm 2007. Anh kể, khi di cư vào chỉ được nghe hát then, đàn tính từ đài catssette, càng nghe, càng nhớ quê, càng yêu giai điệu dân tộc mình. Tôi cứ học dần rồi chép các nốt nhạc do đã có kiến thức âm nhạc trước đó. Từ lúc bắt tay vào làm những cây đàn tính đầu tiên đến khi có được cây đàn với âm thanh tạm chấp nhận, không nhớ tôi đã phải đập bỏ bao nhiêu cây đàn rồi.
Giờ đây, mỗi năm xưởng đàn tính của anh cho ra hàng nghìn sản phẩm xuất đi khắp nơi, cung cấp cho cả 9 tỉnh phía bắc, kể cả quê nhà Cao Bằng. Riêng giống bầu, anh bỏ công nghiên cứu lai tạo là một trong những giống bầu tiêu chuẩn nhất để làm ra cây đàn tính. Ngoài diện tích trồng tiêu, cà-phê… anh để một khoảng trồng cây bầu để chế tác đàn tính. Một ngày anh có thể làm từ 1 đến 2 cây đàn với giá trị khoảng 2 triệu đồng. Anh còn đi mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho bà con, nhất là lớp trẻ người Tày, Nùng tại địa phương.
TS Mai Thị Hạnh, Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, giám khảo tại cuộc liên hoan vừa qua nhận xét, tại liên hoan lần này, tôi thấy có hai tâm thế của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở Tây Nguyên thể hiện rất mạnh mẽ. Đầu tiên là tâm thế của người di cư với hành trang đến miền đất mới là các giá trị văn hóa của họ. Những nghi lễ then, nghề thủ công truyền thống… như điểm tựa về mặt tinh thần giúp họ cộng cảm, đoàn kết và chia sẻ cho nhau ở nơi xa quê. Tâm thế thứ hai là đồng bào Tày, Nùng luôn sẵn sàng hội nhập văn hóa với các dân tộc khác tại Tây Nguyên, tạo nên khối đoàn kết đáng trân trọng.
Hiện giờ, điều mong mỏi của nhiều nghệ nhân hát then, đàn tính tại Tây Nguyên là giai điệu này sẽ được chính quyền tạo điều kiện để đưa vào hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh giống như ở các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Trước mắt có thể mở các lớp ngoại khóa trong nhà trường ở các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống, cùng với việc tổ chức các liên hoan, hội diễn, biểu diễn đón khách du lịch... Từ đó có thể lan tỏa sâu, rộng hơn di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh và có thể tạo nên một vùng then mới giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) nằm trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 15 đến 24/11. Liên hoan có chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay”.