Chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học

Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, thanh tra Bộ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Trường đại học FPT. Ảnh: BẮC SƠN
Tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Trường đại học FPT. Ảnh: BẮC SƠN

Sai phạm tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Trong số cơ sở vi phạm, có thể kể đến một số trường có sai phạm trong tuyển sinh năm 2022, như: Trường đại học FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai; vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học, cả trình độ thạc sĩ. Trường đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, Trường đại học Nguyễn Trãi… đều tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh và đã bị xử phạt.

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều xây dựng kế hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo để kiểm tra về công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Đây cũng là công cụ hữu hiệu trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh cơ chế tự chủ hiện nay. Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục đại học thực hiện tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của cơ sở đào tạo, các trường còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình.

Tuy nhiên, điều đáng nói đây không phải là năm đầu xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép (năm 2021, có ngành của một trường đại học đã tuyển vượt tới gần 1.400%). Việc nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho hệ thống lọc “ảo”, làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người học. Chính vì thế, dư luận cho rằng, phải chăng mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay là quá nhẹ nên các trường đã “nhờn” luật.

Theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo và Phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục, cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng…

Áp dụng các hình thức phạt bổ sung

TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngoài mức xử phạt hành chính trên, đối với cơ sở giáo dục đại học vi phạm sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các hình thức phạt bổ sung có tính răn đe cao và mạnh. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học vi phạm sẽ không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định hiện nay, các trường sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo… Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của cơ sở đào tạo, các trường còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình.

“Công tác tuyển sinh năm 2022 đến ngày 31/12 mới kết thúc, lúc đó các trường mới báo cáo và chúng tôi mới xác định được trường nào sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (do vượt chỉ tiêu)”, ông Cường cho biết.

Kỳ tuyển sinh năm 2023 đang tới gần, để siết chặt kỷ cương trong tuyển sinh, đào tạo đại học, TS Nguyễn Đức Cường khuyến cáo: Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của ngành về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Luật số 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Đặc biệt vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 624/BGDĐT-TTr ngày 28/2/2022 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, đặc biệt là những nội dung tự chủ theo quy định. Do vậy, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác thanh tra nội bộ để giúp Hội đồng trường, Ban Giám hiệu phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hay vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đối với hệ thống thanh tra Bộ, Sở tiếp tục thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm của các cơ sở đào tạo theo quy định pháp luật.