Câu hỏi cho hôm nay từ “Sống mãi tuổi 17”

Chào Tháng Thanh niên, Thành đoàn Hà Nội phối hợp Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam dàn dựng vở kịch “Sống mãi tuổi 17” về Anh hùng Lý Tự Trọng. Được thể hiện với nhiều sáng tạo độc đáo, tinh thần của vở kịch được viết từ năm 1979 vẫn khiến khán giả xúc động và tự vấn.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở diễn. Ảnh: THANH LÂM
Cảnh trong vở diễn. Ảnh: THANH LÂM

1/Tác phẩm được đưa lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cuối năm 1979 và trở lại năm 2022 với ê-kíp đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Thành Nam, họa sĩ Đặng Minh Tuấn, biên đạo - NSƯT Cao Ngọc Ánh… và sự tham gia diễn xuất của NSƯT Đức Khuê, các nghệ sĩ Quang Trọng, Thanh Tuấn, Lệ Quyên, Thùy Trang, Thanh Bình, Huy Hoàng, Du Ka, Đức Mạnh, Tùng Anh, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Thanh Sơn…

Đây là vở kịch đầu tay của kịch tác gia Lưu Quang Vũ, từng viết theo đặt hàng của nhà hát. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tính đương đại vẫn hiện lên sâu sắc qua lời thoại và nét diễn của các nghệ sĩ, truyền tải nhiều thông điệp về lòng tự tôn dân tộc trong lòng những người trẻ tuổi. Chàng trai Lý Tự Trọng (Quang Trọng thủ vai) từ nước ngoài trở về, gặp cảnh dân ta bị quân Pháp đánh đập, anh bàng hoàng, chua xót. Trong vở diễn, tình huống này được thể hiện qua phân cảnh với xung đột được đẩy lên cao trào bằng sự kết hợp xiếc trong sân khấu kịch, các cảnh đu dây, nhào lộn và áp dụng một số động tác khó trong võ thuật. Tuy đây là sự sáng tạo có phần nguy hiểm nhưng Quang Trọng đã thể hiện rất mượt mà.

Tính khác biệt giữa phiên bản thứ nhất năm 1979 và phiên bản mới còn thể hiện qua nét hiện đại trong lời thoại ngắn gọn, gần gũi thực tế, thiết kế bối cảnh. Ê-kíp dàn dựng đã tránh được cách làm truyền thống: chuyển cảnh - tắt đèn, kết hợp với sự thay đổi bối cảnh trong việc thiết kế bục đứng cao, có nhiều tầng và bậc thang, tạo chiều sâu cho bối cảnh.

2/Phân cảnh nhân vật Lý Tự Trọng bị tống giam, chịu đòn roi tra tấn của kẻ thù được dàn dựng công phu với bàn xoay thủ công kết hợp với kỹ thuật đèn nháy đỏ, âm thanh dồn dập, hỗn loạn. Thiết kế bục đứng và đèn chiếu tạo hình song sắt vào nền bục xanh lam đã tạo không khí lạnh lẽo trong ngục tối. Cảnh tiếng đàn bầu vang lên khi Lý Tự Trọng toàn thân thương tích nặng nề, anh nói “Mẹ ơi, con còn đêm nay nữa thôi” khiến cho nhiều khán giả rơi nước mắt. Thêm một sự khéo léo của ê-kíp trong việc dùng tiếng đàn bầu giúp người xem cảm nhận nỗi nhớ quê, nhớ mẹ của người anh hùng.

Khi bị kết án tử hình, Lý Tự Trọng khảng khái tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Trước thềm kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3, lời nói ấy như tiếng thúc giục, như câu hỏi về sứ mệnh của bản thân trước hàng trăm bạn trẻ đến xem vở kịch. Đoàn viên Dương Lâm đã dùng những từ “xúc động”, “bất lực” khi miêu tả về cảm xúc của mình: “Em đặt bản thân mình vào đó và thấy tức giận… Em thấy mình thật bé nhỏ và đã ứa nước mắt khi xem vở kịch này. Một người trai 17 tuổi hiện giờ, chắc chắn không thể làm được những điều như ông Lý Tự Trọng năm xưa. Tự bản thân em cảm thấy hổ thẹn và cần phải cố gắng hơn nhiều”.

3/Chia sẻ sau buổi công diễn chiều 25/3, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, sân khấu cũng như giới trẻ, đều có nhiệm vụ riêng nhưng quan trọng là không nên rập khuôn mà cần xuất phát từ nhận thức đúng về những việc mình đang làm: “Điều ê-kíp làm kịch muốn truyền đạt tới người xem là trong quá khứ, thanh niên đã từng xả thân vì Tổ quốc như thế đấy. Vậy hiện tại, với vận hội mới, công cuộc đổi mới thì người trẻ đang nghĩ gì về những điều sẽ đến trong tương lai? Không phải làm gì ghê gớm mới có thể đóng góp cho đất nước, làm đơn giản nhưng tốt là được. Chúng tôi cũng vậy, một vở kịch tự nhiên, không hô hào khẩu hiệu nhưng vừa truyền tải tốt tinh thần, vừa thành công chạm tới trái tim của nhiều khán giả trẻ”.

Chào mừng 45 năm ngày thành lập (1978-2023), Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức các hoạt động kỷ niệm và trình diễn chuỗi các tác phẩm đặc sắc đã góp phần tạo dựng nên dấu ấn của mình trong lòng công chúng. Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và chuỗi hoạt động trình diễn chào mừng sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 10/4 với các vở diễn: Nhạc kịch “Trại hoa vàng”, 20 giờ ngày 7/4, vở kịch “Sống mãi tuổi 17” lúc 20 giờ ngày 8/4, chương trình “Đời cười tuyển chọn” vào 20 giờ ngày 9/4. Ngày 10/4 sẽ diễn ra lễ kỷ niệm ngày thành lập với các hoạt động gặp gỡ, tôn vinh và giao lưu với các thế hệ khán giả, nghệ sĩ, bạn bè đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhà hát Tuổi trẻ. (Hồng Quế).