Căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây

Những ngày qua, liên tiếp các đòn trừng phạt giữa Nga và các nước phương Tây được đưa ra, đẩy quan hệ giữa hai bên rơi vào trạng thái căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Công dân Nga sẽ không được một số nước châu Âu cấp thị thực do lệnh trừng phạt mới. Ảnh: DAILY MEDIA
Công dân Nga sẽ không được một số nước châu Âu cấp thị thực do lệnh trừng phạt mới. Ảnh: DAILY MEDIA

Nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow

Hiệp hội các công ty lữ hành Nga (ATOR) thông báo cơ quan lãnh sự của Bulgaria đã đình chỉ vô thời hạn việc tiếp nhận hồ sơ xin thị thực du lịch của công dân Nga và các công dân Nga có bất động sản tại Bulgaria. Để tới Bulgaria, công dân Nga có thể sử dụng thị thực Schengen loại nhập cảnh nhiều lần hoặc thị thực nhập cảnh nhiều lần do Croatia, Romania hoặc Cyprus cấp.

Đại sứ quán Latvia tại Nga cũng tuyên bố đình chỉ việc cấp thị thực cho công dân Nga “trong thời hạn không xác định”, trừ các trường hợp nhập cảnh để dự đám tang của người thân. Với quyết định này, Latvia trở thành quốc gia Baltic thứ hai đình chỉ cấp thị thực cho công dân Nga. Vào cuối tháng 7, Estonia đã cấm công dân Nga và Belarus xin thị thực và giấy phép cư trú cho mục đích học tập và xin việc làm ngắn hạn.

Trước đó, Thụy Sĩ thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, chủ yếu liên quan lệnh cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển vàng và các sản phẩm vàng từ Moscow. Ngoài ra, Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo đã “đóng băng” tài sản ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, cấm ngân hàng này cung cấp vốn, nguồn lực kinh tế hoặc dịch vụ kỹ thuật.

Từ cuối tháng 7, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ bảy nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng Sberbank. Ngoài ra, EU cũng đưa thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào “danh sách đen” bị “đóng băng” tài sản và cấm nhập cảnh. Chính quyền Pháp cũng phong tỏa khoảng 1,23 tỷ USD thuộc về công dân Nga.

Tuần qua, Mỹ và Canada cũng mở rộng trừng phạt nhằm vào Nga. Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ bổ sung 25 máy bay của hãng Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành vào danh sách trừng phạt do vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp hạn chế đối với một số quan chức, doanh nhân Nga. Theo đó, những cá nhân này sẽ bị cấm nhập cảnh và “đóng băng” tài sản tại Mỹ. Trong khi đó, các công ty và công dân Mỹ cũng bị cấm làm ăn với các đối tác này.

Tương tự, Chính phủ Canada mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, ảnh hưởng tới 43 cá nhân và 17 pháp nhân. Theo quy định, các công dân và pháp nhân Canada bị cấm giao dịch với các công ty và cá nhân này.

Căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây ảnh 1

Nga cấm nhà đầu tư phương Tây bán cổ phần trong dự án Sakhalin-1. Ảnh: REUTERS

Nga kết thúc kỷ nguyên hợp tác với phương Tây

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố thời đại hợp tác giữa Nga và phương Tây đã qua và sẽ không thể quay trở lại tình trạng trước thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động thương mại của Moscow là một cách để cô lập Nga với thị trường thế giới, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Ông Antonov cũng đánh giá Mỹ đang đi vào lối mòn trừng phạt.

Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này mở rộng danh sách trừng phạt công dân Anh, khi đưa thêm 39 chính trị gia, doanh nhân và nhà báo vào danh sách. Nga cũng thông báo trục xuất 14 nhân viên làm việc tại Lãnh sự quán và Đại sứ quán Bulgaria tại nước này. Ngoài ra, Moscow công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với 62 công dân Canada sau khi Ottawa mở rộng các biện pháp trừng phạt riêng mới nhất chống lại Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư từ những “quốc gia không thân thiện” bán cổ phần trong một số doanh nghiệp chiến lược và ngân hàng cho đến cuối năm nay. Lệnh cấm, có hiệu lực lập tức, áp dụng đối với hoạt động khai thác dầu khí trong dự án Sakhalin-1 tại vùng Viễn Đông của Nga. Tập đoàn Shell của Anh, Tập đoàn UniCredit và Intesa của Italy, Tập đoàn Citi của Mỹ và Raiffeisen của Áo đang tìm kiếm các khả năng để rời khỏi Nga.

Nga đang giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà kinh tế, nền kinh tế Nga đang trên đà giảm hơn 10% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991.