NHÀ BÁO LÊ QUỐC VINH:

Cần tư duy khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Qua hơn sáu năm kể từ khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 8/9/2016), nhận thức chung của xã hội về vai trò trong tăng trưởng kinh tế của các ngành kinh doanh sản phẩm văn hóa nghệ thuật ngày càng được nâng cao. Từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực này gần 30 năm qua, nhà báo Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh chủ đề thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tư duy khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Hành lang pháp lý đã có, nhưng chưa đủ

- Thưa ông, kể từ khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, những việc làm được cho sự phát triển của lĩnh vực này đã được đề cập nhiều. Còn những khó khăn đáng kể nhất trong thực tiễn hoạt động của lĩnh vực này là gì, theo ông?

- Chất chồng khó khăn (cười). Nhưng có thể nói, khó khăn lớn nhất là các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chưa được coi là ngành kinh tế thật sự bởi chưa có một hành lang pháp lý đúng nghĩa cho nó, mà mới chỉ đang dừng lại ở mức khai thác tiềm năng sẵn có, nhất là sự sáng tạo của con người.

- Hầu hết các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đều đã có luật hoặc nghị định để quản lý và điều hướng hoạt động. Đó chính là hành lang pháp lý hay phải chăng, còn thiếu những yếu tố nào khác, thưa ông?

- Đúng là có luật hoặc nghị định nhưng là để kiểm soát và quản lý ngành đó theo cách mong muốn của nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách thay vì để thúc đẩy thị trường của ngành đó phát triển.

Tôi đơn cử hai thí dụ: Luật Điện ảnh về cơ bản mới phục vụ cho phát triển sản phẩm điện ảnh, kiểm duyệt và quản lý nội dung phim chứ không phải là để tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường điện ảnh. Khi ta đã công nhận điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa tức là nó phải có sản phẩm hàng loạt và phải có thị trường, nghĩa là phải có nhà đầu tư kinh doanh, nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng một hệ sinh thái bao quanh. Song Luật hiện hành mới chỉ quan tâm đến sản phẩm điện ảnh sẽ thế nào mà chưa đề cập đến thị trường của nó sẽ được vận hành ra sao. Trong đời sống điện ảnh, xã hội mới quan tâm nhiều đến đạo diễn và nhất là diễn viên, còn các nhà sản xuất, nhà đầu tư, họ đã được quan tâm ra sao bằng cơ chế, chính sách thỏa đáng?

Tương tự, Luật Quảng cáo được xây dựng để quản lý ngành này chứ chưa phải để thúc đẩy thị trường quảng cáo. Nhà làm luật giữ quan niệm quảng cáo chỉ đem lại lợi ích cho nhà quảng cáo (hãng kinh doanh sản phẩm cần được quảng cáo) chứ không phải cho người tiếp nhận quảng cáo (người tiêu dùng, công chúng rộng rãi). Do đó, Luật có các điều khoản quy định tỷ lệ phần trăm diện tích, dung lượng, thời lượng dành cho quảng cáo trên các phương tiện, nền tảng truyền thông; vô hình trung là tìm cách hạn chế tối đa sự phát triển của quảng cáo. Họ không hình dung hoặc không quan tâm đến khía cạnh: quảng cáo chính là ngành góp phần thúc đẩy động lực tiêu dùng nên mang lại lợi ích kinh tế và người tiêu dùng chính là người sẽ tự điều tiết hành vi tiêu dùng của họ thay vì nhà nước cứ can thiệp trực tiếp đến sự điều tiết này thông qua các điều luật.

Hầu hết văn bản luật, nghị định cho 12 ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta đều vướng phải những vấn đề tương tự; yếu tố thị trường chưa được nhìn nhận thấu đáo và đánh giá cao.

Thị trường đúng nghĩa của sản phẩm công nghiệp văn hóa tức là có mua-có bán, có cầu-có cung, có lỗ-có lãi và hãy để thị trường và người tiêu dùng điều tiết. Hiện nay, các văn bản luật đang làm thay vai trò điều tiết của thị trường là quy định nhà sản xuất, kinh doanh được làm gì và không được làm gì, dẫn đến vấn đề là không có sự tham gia lớn của xã hội, không có sự đầu tư lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa từ khối doanh nghiệp.

Cần tư duy khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 1
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam được tổ chức hằng năm từ năm 2014, do một công ty tư nhân thực hiện. Nguồn: VIFW

- Ông có thể kiến giải cụ thể hơn về thực tiễn quy mô đầu tư trong lĩnh vực này? Theo các con số thống kê thì rõ ràng là số lượng doanh nhân tham gia lĩnh vực này ngày càng đông đảo hơn, quy mô của nhiều sự kiện/ sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng ngày càng lớn hơn trước?

- Nếu có sự đầu tư lớn, từ hàng trăm đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng thì hầu hết ở hai khía cạnh: hoặc từ ngân sách nhà nước cho các công trình văn hóa nghệ thuật công cộng mang ý nghĩa chính trị, tưởng niệm hoặc từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mong muốn sử dụng sản phẩm dịch vụ văn hóa nghệ thuật để kích cầu sản phẩm bất động sản của họ, tức là sản phẩm dịch vụ văn hóa nghệ thuật chỉ đóng vai phụ trợ cho ngành kinh tế khác chứ không phải là sản phẩm kinh tế thực thụ: hạch toán được thu-chi và có lãi.

Trên thế giới, các công trình văn hóa nghệ thuật công cộng, sự kiện nghệ thuật lớn nhiều khi mang ý nghĩa biểu tượng cho cả một thành phố, một đất nước, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo đà cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Để làm được như vậy, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay hành động của các cơ quan chính phủ mà bắt buộc phải có sự tham gia đầu tư của tư nhân. Nhưng ở nước ta lâu nay, các công trình nghệ thuật công cộng lớn như tượng đài, hay hầu hết các sự kiện, triển lãm nghệ thuật quy mô quốc gia, quốc tế cũng chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.

Tôi đồng ý với bạn là số lượng doanh nhân tham gia lĩnh vực này ngày càng đông đảo, đơn giản bởi công nghiệp văn hóa là một phần thuộc nền kinh tế tri thức-xu hướng phát triển tất yếu của thế giới mà Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thực tế quy mô đầu tư là nhỏ lẻ, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là đi thu từng đồng bạc lẻ, kinh doanh theo kiểu nhặt nhạnh mà thôi, không tạo ra lợi nhuận lớn được.

Xã hội ta vẫn coi văn hóa mang giá trị tinh thần là chính, ngần ngại, không cởi mở khi nói đến khía cạnh kinh tế của sản phẩm văn hóa. Do đó, khi nói đến nguồn lực cho công nghiệp văn hóa là nói đến nguồn lực của người làm sáng tạo mà quên mất rằng: muốn trở thành một phần của kinh tế sáng tạo thì phải có người làm kinh doanh. Chúng ta vẫn đang loại trừ khái niệm kinh doanh trong văn hóa nên không thừa nhận vai trò của người làm kinh doanh/đầu tư cho văn hóa.

Cần tư duy khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 2
Mẫu thiết kế của Phạm Thanh Sơn được làm bằng bẹ chuối với cảm hứng từ hoa văn truyền thống của người Châu Mạ tại Tuần lễ thiết kế sáng tạo Việt Nam 2022. Nguồn: VNDW 2022

Mong chờ sự thay đổi mang tính chất nền tảng

- Ngay cả khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được ban hành, thì những khó khăn, như ông chia sẻ từ đầu câu chuyện, là vẫn "chất chồng". Thực trạng đó hẳn còn nặng nề hơn nữa ở thời điểm ông cùng các cộng sự bắt đầu "khai phá" lĩnh vực này ở Việt Nam. Nguyên do nào khiến ông vẫn gắn bó với ngành công nghiệp đặc biệt này?

- Khi bắt tay vào làm những tờ tạp chí có tính chất xa xỉ như Nhà đẹp, Đẹp tại thời điểm mà Việt Nam còn chưa có internet, tôi chỉ có cảm nhận rằng, đó là lĩnh vực có triển vọng ở Việt Nam song chưa ai làm. Khi ấy, chúng ta đã mở cửa nền kinh tế. Tuy nhu cầu sử dụng sản phẩm xa xỉ chưa phải là nhu cầu lớn của cả xã hội nhưng theo sự phát triển của kinh tế, con người ta sẽ chuyển dần từ mưu cầu ăn no, mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp. Thế giới có gì thì Việt Nam cũng sẽ có. Tư duy của người làm kinh doanh như chúng tôi là nhìn thấy tiềm năng thị trường và làm đúng thì sẽ có lợi ích... Nhưng quả là, nếu mọi thứ đúng hướng hơn thì chắc chắn, sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh mà tôi tham gia sẽ không chậm như thế này.

Tuy nhiên, doanh nhân như chúng tôi là vậy, nói đến khó khăn thì không có nghĩa là sẽ không làm nữa mà nói ra với mong muốn có những sự thay đổi mang tính chất nền tảng và tích cực hơn cho kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

- Từ thực tiễn hoạt động, ông có thể chia sẻ thêm về thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa?

- Tôi vẫn tin rằng, hoạt động sản xuất công nghiệp nặng không phải là thế mạnh của chúng ta mà thế mạnh ấy là nông nghiệp, dịch vụ du lịch và sự sáng tạo; ba lĩnh vực này phù hợp với bản chất của người Việt Nam và điều kiện ngoại cảnh của Việt Nam. Chính vì thế, tôi giữ niềm tin rằng lĩnh vực công nghiệp văn hóa nói chung là nơi mà ta bắt kịp và vươn lên hàng đầu thế giới nếu chúng ta hiểu bản chất của nó và vận hành nó theo đúng tinh thần thị trường.

- Hẳn là cộng đồng doanh nghiệp mà ông dự phần cũng đã có nhiều bàn thảo về thực tiễn khó khăn cũng như có các đề xuất cách tháo gỡ, thí dụ như về việc xác lập vai trò của nhà đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa hay cách định lượng giá trị/ trị giá của sáng tạo?

- Đã có lần, tôi và nhạc sĩ Quốc Trung nói chuyện với nhau về được-mất trong "kinh doanh" khi anh ấy tổ chức Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa. Được gì? Lớn nhất chính là khả năng gây ảnh hưởng tích cực của nó đến nhận thức và hành vi của cộng đồng khán giả âm nhạc và nhất là cộng đồng người tham gia lĩnh vực âm nhạc giải trí ở Việt Nam. Thứ này có thể "đo đếm" được bằng tiền không nếu chỉ tính toán đơn thuần theo các công cụ đo lường vật lý? Và nay, sau đại dịch Covid-19, Gió mùa chuẩn bị trở lại. Nhạc sĩ Huy Tuấn đã kịp có thêm Liên hoan âm nhạc Hò Zô tại TP Hồ Chí Minh cuối năm 2022. Việc tạo ra các giá trị/tầm ảnh hưởng chung quanh từ một sản phẩm văn hóa là thứ mà các nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự tính được. Hay đầu tư cho một bảo tàng không phải lúc nào cũng có lãi, song tại sao ở các nước, bảo tàng tư nhân phát triển đến vậy? Nghịch lý vậy nhưng câu trả lời là: sự phát triển của riêng ngành bảo tàng đồng thời tạo ra nguồn lực cho ngành kinh doanh khác.

Tính chất hỗ trợ, tạo ảnh hưởng và liên ngành phát triển như công nghiệp văn hóa buộc chúng ta đến lúc cần phải thay đổi tư duy để thúc đẩy nó thật sự phát triển ở Việt Nam. Nó cần có hành lang pháp lý đồng bộ với sự tham gia xây dựng của các doanh nghiệp. Nó cần được quản lý bởi một cơ quan liên ngành có khả năng bao quát và kết nối chứ không thể chỉ riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như hiện nay. Khi nhà nước có chế tài đủ mạnh, hành động đủ mạnh thì sẽ thay đổi nhận thức chung của xã hội nhanh chóng hơn: văn hóa và sáng tạo trong văn hóa không thể chỉ là để cho đi, để cống hiến, để tạo ra giá trị tinh thần mà còn đem tới nguồn thu 7-10% GDP, tương đương ngành dầu khí.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Từ năm 2008, nhà báo Lê Quốc Vinh đã tham gia vào chiến dịch vận động thúc đẩy nhận thức chung của xã hội về công nghiệp sáng tạo/công nghiệp văn hóa ở Việt Nam do Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi xướng, với sự đồng hành của UNESCO, UN-habitat và nhiều cơ quan quốc tế khác. Năm 2012, ông sáng lập Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) và từ con số thành viên ban đầu chưa tới 20 người, đến nay, Câu lạc bộ có hàng trăm thành viên tích cực với 14.600 người theo dõi trên mạng Facebook.