Đáng chú ý là sự xâm nhập, tấn công của thiên tai có dấu hiệu bất thường qua các địa bàn, từ khu vực tỉnh Quảng Trị trở ra đến Thanh Hóa; hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn khắp miền trung; có khu vực mưa to, ngập các tuyến phố đô thị; có khu vực mưa gió tác động sâu vào địa bàn miền núi, gây chia cắt, cô lập…
Nhìn lại trước nữa thì mưa lũ, ngập lụt trong những tháng gần đây đã gây thiệt hại cho một số địa bàn vùng cao ở Tây Bắc hay Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong thời điểm hiện tại, triều cường dâng cao đang gây ngập, ảnh hưởng đến sự đi lại, sinh hoạt của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Các thông tin dự báo đang cho thấy nguy cơ khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; khu vực ven biển Đông Nam Bộ cần đề phòng ngập úng...
Khái quát qua nhiều địa bàn có thể thấy nguy cơ tác động của nhiều loại hình thiên tai trên diện rộng. Dù không được cảnh báo là lớn, siêu lớn, cường độ rất mạnh thì mưa, dông, lũ, ngập, sạt lở... đã trở nên thường trực, liên tục, gây thiệt hại đến sự vận hành đời sống, kinh tế các gia đình, hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị. Có những địa bàn tưởng không dễ bị và không dễ bị nặng thì cũng đã phải gánh hậu quả bất ngờ.
Nhiều địa phương, đơn vị chức năng đã phát đi các công điện, chỉ đạo, triển khai các hoạt động tuyên truyền, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhưng điều rất đáng suy ngẫm là nhiều sự chuẩn bị, phòng chống và khắc phục thường mang tính ứng phó, xử lý theo mức độ ảnh hưởng và gây thiệt hại của những trận bão, cơn dông, đợt ngập lụt, lũ quét. Còn việc chuẩn bị từ sớm, từ xa mang tính chiến lược, có tính chất quy hoạch cho các địa phương, các vùng nhằm hướng tới mục tiêu lý tưởng là làm chậm lại, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế được những tác động bất thường và dai dẳng, thì dường như vẫn chưa được thúc đẩy, triển khai sâu rộng; còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân.
Thí dụ ở những địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai thì vấn đề quy hoạch đô thị, xây dựng công trình, xây dựng hệ thống thoát nước rất cần được cải tạo, điều chỉnh. Với các khu vực mới bị ảnh hưởng thời gian qua, thì rất cần nghiên cứu nguyên nhân cụ thể để tìm phương án phòng chống hiệu quả. Ngay như sự phát triển nhà dân một cách tự phát và phổ biến ở khu vực rìa đường, sườn núi trên vùng cao cũng đòi hỏi phải tổ chức, quy hoạch lại để tập trung, di chuyển về các khu vực an toàn hơn. Quy mô hơn như vấn đề giữ rừng phòng hộ ven biển và khu vực miền núi để bảo đảm mức độ ngăn chặn nhất định, giảm mức độ tàn phá của thiên tai, cũng cần được nghiên cứu, đánh giá hiệu quả cụ thể. Những tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa ồ ạt, sự phát triển giao thông làm thay đổi địa hình, tác động xấu tới môi trường sinh thái, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, úng lụt... cũng cần được nghiên cứu, chỉ rõ để xử lý, điều chỉnh, cải tạo, rút kinh nghiệm lâu dài.
Những giải pháp quy mô, cơ bản về hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương... liên quan mật thiết khả năng phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai trên các địa bàn. Sửa chữa những bất cập và nghiên cứu, điều chỉnh nhằm tăng khả năng phòng tránh, chống chịu là việc cấp bách trong bối cảnh thiên tai phức tạp, bất thường hiện nay.