Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long:

Cần mạnh tay hơn trong xử lý tranh giả

Vài năm gần đây, các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ mỹ thuật Đông Dương xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhưng cũng liên tục vướng nghi án tranh giả. Cùng với đó, nạn sao chép, làm tranh giả ngày một gia tăng, khiến thị trường mỹ thuật lộn xộn, gây mất niềm tin. Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long chia sẻ với Thời Nay về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm sự minh bạch của thị trường mỹ thuật. Ảnh: QUANG HƯNG
Cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm sự minh bạch của thị trường mỹ thuật. Ảnh: QUANG HƯNG
Cần mạnh tay hơn trong xử lý tranh giả ảnh 1

Phóng viên (PV): Thời gian qua, xuất hiện hiện tượng tranh giả, tranh chép tranh Đông Dương, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Nhà phê bình Phạm Long: Thực trạng này diễn ra rất nổi cộm và cũng không phải là mới, ngay sau thời kỳ Đổi mới chúng ta đã bắt đầu thấy manh nha hiện tượng tranh giả của các họa sĩ đương đại. Sau đó, khi có thị trường, có sàn đấu giá thì bắt đầu có việc buôn bán mảng tranh của những họa sĩ nổi tiếng thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Điều này khiến dư luận, đặc biệt là những nhà sưu tập lo ngại. Thực trạng quả thật rất đáng buồn và rõ ràng là chúng ta mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Một sự kiện điển hình là cách đây không lâu tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, những kiệt tác tranh Đông Dương mang về từ châu Âu, được các chuyên gia đến từ các nước châu Âu trực tiếp đánh giá các tác phẩm ấy nhưng họ đều xác minh rằng, đó là những bức tranh không thật. Trong số đó có một bức tranh tạm tin là thật thì đã bị sửa tên, ký tên người khác. Đó là bức tranh của họa sĩ Thành Chương, chính ông cũng có mặt tại cuộc triển lãm đó và xác nhận, những kẻ làm tranh giả đã ký tên người khác. Quả thật đó là một thực trạng nhức nhối.

PV: Những kiệt tác được nói trên đây, được mang về từ châu Âu, nhẽ ra là một niềm tự hào trong giới mỹ thuật thế nhưng, phần lớn lại là tranh giả, tranh chép. Nhưng sự việc đó vẫn chưa được xử lý rốt ráo, thưa ông.

Nhà phê bình Phạm Long: Cho đến nay thì trên tất cả các thông tin truyền thông và trong giới sưu tập, kinh doanh tranh nghệ thuật thì đều không thấy có kết quả nào về sự việc này. Thứ hai là các cơ quan hữu quan có trách nhiệm cũng không có thông báo cụ thể là vụ việc này đã xử lý đến đâu. Rõ ràng đó là những bức tranh giả, tranh chép nhưng không bị xử lý, tại sao không căn cứ vào điều luật, quy định, quy chế nào để xử theo pháp luật vụ việc đáng tiếc như thế!

PV: Từ vụ việc đó, đã không được xử lý đến cùng, thậm chí quên lãng, sau đó thì liên tiếp nhiều vụ việc khác , thí dụ như bức tranh sơn mài “Nhà tranh gốc mít”, bản gốc thì được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thế nhưng vẫn được đưa lên sàn đấu giá quốc tế với một bức tranh giống thế và vẫn đề tên là của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tị. Theo ông, đâu là tác hại của những việc như thế?

Nhà phê bình Phạm Long: Những hiện vật được đưa ra đấu giá trên sàn quốc tế mà có liên quan đến các tác giả từ thời Đông Dương thì hay bị gán một cái tên “được cho là”, ý là cùng một tác giả nhưng họ làm ra nhiều bản khác nhau. Những bản tương đương ấy thì rõ ràng không có một dấu vết nào để chúng ta xác minh được, do vậy mà họ đã mặc định tên tuổi của những họa sĩ Đông Dương trên những sản phẩm ấy. Như vậy, những tác phẩm được đưa ra đấu giá đó thì vô hình đã đánh mất đi giá trị thực của tác phẩm đang trưng bày trong bảo tàng.

Về sự việc trên, ga đình họa sĩ đã xác minh, đây là một bằng chứng quan trọng. Vì trong gia đình họa sĩ, có người làm trong bảo tàng, đồng thời cũng giữ lại bút tích của họa sĩ. Họ đã lên tiếng mạnh mẽ để đòi lại sự minh bạch.

PV: Những sự việc “đội lốt” tranh Đông Dương, thị trường tranh giả, tranh chép liên tục diễn ra như chúng ta biết, điều này đặt ra một câu hỏi, liệu rằng có một đường dây buôn bán tranh giả và tồn tại đã lâu?

Nhà phê bình Phạm Long: Tôi nghĩ chắc chắn là có đường dây buôn bán tranh giả rồi. Thí dụ như cuộc triển lãm tranh Đông Dương được đưa về từ châu Âu mà tôi nhắc ở trên, thì hẳn là đã có sự móc nối giữa những người làm tranh giả ở trong nước và những người buôn bán ở nước ngoài, kể cả những chuyên gia đánh giá về tranh. Sự việc này không chỉ là một thí dụ đơn lẻ mà nó đang cảnh báo cho chúng ta rằng, đây là một trong những vụ việc nằm trong đường dây buôn bán nhiều năm, mà pháp luật chưa thể làm được gì.

PV: Theo ông, hậu quả của nó sẽ như thế nào?

Nhà phê bình Phạm Long: Thứ nhất, nó làm ảnh hưởng đến kinh tế, thứ hai là ảnh hưởng đến uy tín. Thứ ba, nó ảnh hưởng đến cả nền mỹ thuật. Với số lượng tranh giả, tranh nhái lớn như thế thì giới sưu tập nước ngoài, họ sẽ nhìn nhận chất lượng của các tác giả, đánh giá thị trường tranh của chúng ta sẽ như thế nào? Thật sự đáng lo ngại.

Tôi nghĩ các cơ quan hữu quan phải vào cuộc, phải có những biện pháp, chế tài để ngăn chặn, không để tiếp diễn những sự vụ tương tự nào xảy ra nữa. Những tác phẩm phải được trả lại đúng giá trị thật của nó.

PV: Xin cảm ơn ông!