CÁN BỘ, ÐẢNG VIÊN PHẢI LẤY CHỮ "LIÊM" LÀM ÐẦU

Chữ "Liêm" là một trong những tiêu chí để đo "trình độ người", "chất người". Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật". Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chữ "Liêm"

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vô sản quan tâm nhiều nhất vấn đề đạo đức. Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng, Người viết nhiều, sâu sắc và thể hiện tấm gương sáng ngời trong thực hành đạo đức cách mạng mà một trong những khía cạnh nổi bật là chữ "Liêm". Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người đã viết: "Ít lòng tham muốn về vật chất". Theo Bác, thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu chữ Liêm trong bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì không thành người. Cả đời Người tránh xa và không dính líu gì với vòng danh lợi, không có một chút gì riêng tư cho mình.

Nét đặc sắc, độc đáo trong tư tưởng của Bác là Người nhấn mạnh chữ Liêm đối với cán bộ, đảng viên. Theo Người, họ là những người đều có nhiều hoặc ít quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, dễ tìm dịp phát tài, xoay tiền của Chính phủ hoặc đục khoét nhân dân. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, không giữ đúng chữ Liêm thì dễ trở nên hủ bại, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư", biến thành sâu mọt của dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải lấy chữ Liêm làm đầu, thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân. Cán bộ, đảng viên thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Điểm nhấn là thực hành, nêu gương, chứ không phải cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà được mọi người yêu mến. Cán bộ, đảng viên phải làm mực thước thì mới hướng dẫn được dân, để cho dân bắt chước.

Theo Bác, Liêm là trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị, danh vọng. Không tham của, tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình. Không tham sống. Chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Người cán bộ, đảng viên đã dám hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào thì không có gì tham hết. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Bác chỉ rõ cán bộ, đảng viên bất liêm là những người tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên. Họ cậy quyền thế, lạm dụng quyền lực mà đục khoét dân, ăn của đút, tham nhũng, trộm của công làm của tư; dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Gặp việc phải, sợ khó nhọc nguy hiểm không dám làm, v.v.

Bất liêm để lại hệ lụy lớn. Nó là kẻ thù của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Bất liêm đi đến tham nhũng, tham ô, có tội với nhân dân và Tổ quốc, làm mất thanh danh của Đảng, làm mất danh giá bản thân. Nó là đồng minh của các thế lực thù địch, phản động. Nó phá hoại đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần, phá hoại sức lực, tiêu hao của cải của nhân dân và Chính phủ. Tội lỗi ấy cũng nặng như Việt gian, mật thám.

Bác khẳng định phải kiên quyết, kiên trì chống bằng được những hành động trái với chữ Liêm. Chống bất liêm là cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải đánh thắng lòng tà trong mình thì mới có thể "trị quốc, bình thiên hạ" tức là đánh thắng chủ nghĩa đế quốc và các kẻ thù khác, để làm tốt nhiệm vụ cách mạng.

Theo Bác, muốn thực hiện tốt chữ Liêm, chống bất liêm thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, chính tâm tu thân, thi đua thực hành liêm khiết. Phải có liêm sỉ để biết rằng bất liêm là một điều rất xấu hổ, hành động trái với chữ Liêm là có tội với nước, với dân. Bác đặc biệt nhấn mạnh phải nâng cao dân trí. Dân phải biết quyền hạn của mình, phải kiểm soát cán bộ. Dẫn lại ý người xưa để nói thời dân chủ, Người chỉ rõ: "Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm" (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127). Người cho rằng chống bất liêm là dân chủ, tức là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét những hành động trái với chữ liêm; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho hành động bất liêm có chỗ ẩn nấp. Biện pháp ấy là gây một đạo đức, một phong trào quần chúng gớm ghét bao vây những kẻ bất liêm. Quần chúng tham gia nhiều thì thành công nhiều, tham gia ít thì thành công ít, tham gia hoàn toàn thì thành công hoàn toàn.

Chống bất liêm, nhất định phải kết hợp giáo dục tư tưởng chính trị với xử phạt, thiết kế bộ máy của hệ thống chính trị một cách khoa học. Phải giữ nghiêm kỷ luật đảng và tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước. Bác chỉ rõ giáo dục là chính, song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Người nhấn mạnh "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì" (Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.6, tr.127).

Cán bộ, đảng viên thực hành chữ "Liêm" trong công cuộc đổi mới

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ "then chốt của then chốt", trong đó cái gốc là đạo đức cách mạng nói chung, thực hành chữ Liêm nói riêng, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, quy định, văn bản pháp luật gắn liền với việc giữ vững phẩm chất đạo đức, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Điển hình là các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, ngày 25/10/2021; Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022; Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW về công tác phòng, chống tiêu cực, v.v. Quy định, hướng dẫn có tác dụng như barie, một lành răn đỏ cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.

Nổi bật là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa để "không thể", "không dám", "không cần" tham nhũng. Đảng đã thực hiện với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ cá nhân nào".

Trong xu thế không thể đảo ngược của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều việc làm tốt có tác dụng lan tỏa, truyền cảm hứng trong toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có bất liêm vẫn còn hạn chế, khuyết điểm thể hiện trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu chưa đầy đủ; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; cơ chế kiểm soát quyền lực hoạt động chưa đồng bộ. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù" của đổi mới, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo những lời dạy của Bác, Đảng ta đề ra nhiều biện pháp quan trọng, tập trung vào ba nhóm. Thứ nhất, tăng cường giáo dục, đây là cơ chế thiết lập nền tảng chính trị tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; tạo nền gốc, thống nhất ý chí, tổ chức, hành động. Thứ hai, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự giác, nêu gương thực hiện chữ Liêm cho nhân dân noi theo; giữ liêm sỉ, biết xấu hổ khi mình làm những việc trái với chữ Liêm. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, thể chế, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế công tác cán bộ, xây nền dân chủ. Phát huy vai trò vô tận của nhân dân, động viên quần chúng, làm cho quần chúng hiểu rõ, hăng hái tham gia. Để "không dám", "không thể", "không cần" tham nhũng, cùng với trừng trị, phải có cơ chế "dưỡng liêm". Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước.

Thực hiện tốt hệ giải pháp "kiềng ba chân" đó chắc chắn sẽ có những bước tiến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, đẩy lùi bất liêm nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.