Cải thiện điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp nước ngoài

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á. Môi trường kinh doanh trong nước đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức và khó khăn đối với những doanh nghiệp nước ngoài, dù đất nước đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm thị trường Việt Nam. Ảnh: NAM ANH
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm thị trường Việt Nam. Ảnh: NAM ANH

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 8,02%, nhanh nhất kể từ năm 1997. Theo những dự báo mới nhất, trong những năm tới nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 6% nhờ thị trường trong nước đang phát triển mạnh mẽ, điều kiện và trình độ lao động ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 13,5% năm 2022, lên 22,4 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất và bất động sản nhận được nhiều vốn cam kết từ nước ngoài, tiếp theo là sản xuất và các hoạt động khoa học - công nghệ. Là thành viên của WTO, các diễn đàn khu vực và EVFTA, CPTPP, Việt Nam hiện đang là điểm đến đầu tư hàng đầu. Nhưng những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn gặp một số vấn đề khó khăn như thành lập công ty, hồ sơ báo cáo, sở hữu trí tuệ và văn hóa kinh doanh...

Về vấn đề thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trước đây cần mất bảy thủ tục thì hiện tại chỉ cần hai thủ tục để thành lập doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp muốn kinh doanh tại Việt Nam cần có địa chỉ công ty và hợp đồng thuê được ký trước khi đăng ký pháp nhân doanh nghiệp. Một số khoản đầu tư nước ngoài có điều kiện và giới hạn rất chặt chẽ như thuốc, hóa chất, khoáng chất, các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh học...

Báo cáo và hồ sơ của các công ty được yêu cầu tất cả đều phải là tiếng Việt, hồ sơ giấy tờ nước ngoài chỉ có giá trị khi đó là bản dịch tiếng Việt được chứng thực. Trước đó, hồ sơ giấy tờ phải được công chứng hoặc chứng nhận bởi tòa án của nước sở tại, sau đó được chứng thực lần nữa bởi đại sứ quán Việt Nam. Giấy phép cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng được cấp bằng tiếng Việt. Hiện tại, một số thủ tục cấp phép, hồ sơ và báo cáo đã có thể thực hiện trực tuyến, nhưng yêu cầu về ngôn ngữ và quy trình xác thực chưa thay đổi.

Về tiền tệ, VND của Việt Nam được kết nối với đồng USD thông qua cơ chế tỷ giá chặt chẽ, giúp ổn định tỷ giá hối đoái giữa các đối tác thương mại. Được coi là một trong những đồng tiền châu Á ổn định nhất, tiền đồng hỗ trợ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều đáng chú ý là Chính phủ quản lý chặt chẽ các giao dịch liên quan đến ngoại tệ, với các quy định về dòng tiền vào thường thoải mái hơn so với quy định về dòng tiền ra.

Đối với hệ thống thuế, Chính phủ đã có nhiều cải cách trong những năm gần đây. Có 10 khoản thanh toán thuế doanh nghiệp được thực hiện mỗi năm, bao gồm VAT và bảo hiểm xã hội. Bộ Tài chính vừa ban hành các quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử, đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đã có nhiều công việc được triển khai trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với báo cáo thuế, với việc kê khai thuế điện tử được triển khai đầy đủ vào cuối năm 2017. Ngoài ra, các sửa đổi của luật thuế TNDN, thuế GTGT và quản lý thuế hiện hành cũng nhằm làm rõ các vấn đề thuế chưa rõ ràng và giảm gánh nặng tuân thủ thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động tại Việt Nam.

Về vấn đề hệ thống thanh toán và ngân hàng, Việt Nam vẫn bị đánh giá là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt nhiều nhất trên thế giới, với hơn 90% các giao dịch trong nước được thực hiện bằng tiền mặt. Một số ngân hàng có kết quả kinh doanh kém cũng khiến người tiêu dùng giảm lòng tin. Nhưng hiện tại, Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành một “nền kinh tế không dùng tiền mặt” và đã có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho một hệ thống như vậy, tăng phí thanh toán bằng tiền mặt và giảm phí liên quan thanh toán điện tử.

Về các cơ chế quản lý và luật, hiện tại Việt Nam đang được đánh giá là có rất nhiều triển vọng trong toàn cầu hóa. Nhưng doanh nghiệp vẫn có thể gặp khó khăn khi phải đối phó với sự quan liêu và thiếu minh bạch. Các cơ chế quản lý và luật thương mại của Việt Nam, cũng như thẩm quyền chồng chéo của một số bộ, ngành, có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong các chính sách. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn thông tin doanh nghiệp kém và thiếu minh bạch tài chính, gây thêm thách thức cho hoạt động thẩm định và xác minh danh tính doanh nghiệp.

Về sở hữu trí tuệ, mặc dù đã có các quy định để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế. Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề khi Việt Nam được đánh giá đứng thứ 11 trong 20 quốc gia sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền nhiều nhất. Chính phủ đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề và đưa ra luật mới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bản quyền, sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Các công ty nước ngoài muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phải nộp đơn cho Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam hoặc Cục Sở hữu trí tuệ thông qua.

Ngoài ra, bất chấp cải cách trong nước, tham nhũng cũng là vấn đề còn tồn tại gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn hoạt động tại Việt Nam. Chính phủ đã cam kết đấu tranh với vấn đề này, ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, xây dựng các chiến lược chống tham nhũng, củng cố thể chế và phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC). Các khuôn khổ chống tham nhũng của Việt Nam được đánh giá là toàn diện khi so sánh với một số nước láng giềng châu Á.

Cuối cùng là văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Hầu hết các kết nối kinh doanh xoay quanh mối quan hệ xã hội được tạo ra giữa các đối tác, thông qua giới thiệu và đề xuất. Đôi khi mức giá được cung cấp cho doanh nghiệp có thể được quyết định bởi cách tiếp cận với doanh nghiệp như thế nào. Thâm niên cũng là vấn đề quan trọng khi làm việc với bất kỳ tổ chức nào.

Theo báo cáo về Chỉ số Mức độ phức tạp trong kinh doanh toàn cầu của tập đoàn cung cấp dịch vụ kế toán và tài chính TMF, Việt Nam nằm ở vị trí 24 vào năm 2020 và 21 vào năm 2021. Năm 2022, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 42 về mức độ phức tạp của môi trường kinh doanh. Điều này phản ánh thực tế rằng các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đã trở nên ít phức tạp hơn trước đây. Tuy nhiên, vẫn cần hoàn thiện hơn nữa về thể chế và các vấn đề liên quan để tạo điều kiện dễ dàng hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.