Một sự nghiệp cầm bút không dễ có
Bùi Hiển bước chân vào văn chương có phần muộn vài ba năm so với bạn bè cùng thế hệ - thế hệ Tây học 1925 (theo Trịnh Văn Thảo, Ba thế hệ trí thức người Việt, NXB Thế Giới, 2013) - được xem là “Thế hệ vàng” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đầu tay - truyện ngắn Nằm vạ, in trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn năm 1940, bước đầu đã cho thấy phẩm chất và nội lực văn chương của ông. Ngày ấy, đánh giá về Bùi Hiển, Thạch Lam (thành viên Tự lực văn đoàn) viết: “Ông Bùi Hiển, tác giả truyện ngắn dưới đây (Nằm vạ - NTT chú thích) đã phác họa rất đúng một vài nhân vật ở thôn quê. Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong xóm làng. Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi” (Ngày nay, 9-1940). Từ đó, Bùi Hiển trở thành một cái tên được tin tưởng, yêu mến, chiếm được nhiều cảm tình của các nhà văn danh tiếng cùng thời: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài,…
Cách mạng Tháng Tám thành công, như nhiều nhà văn tiền chiến khác, Bùi Hiển đi theo cách mạng, làm công tác văn hóa cứu quốc. Ông vừa sáng tác vừa tham gia làm quản lý văn hóa văn nghệ (Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An; Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An; Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Liên khu IV; Phó Tổng Biên tập NXB Văn học; Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II, III; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam). Dù ở cương vị nào, Bùi Hiển cũng luôn là một người dấn thân, bám sát đời sống, gần gũi thực tiễn, để sống và viết. Điều đó đem đến cho ông những sáng tác thắm đượm hơi thở thời đại. Với công việc quản lý, lãnh đạo văn hóa văn nghệ, ông cũng được đánh giá là người sâu sát, cởi mở, hòa nhập, biết lắng nghe thanh âm phản hồi từ đời sống. Bởi thế, trong mắt bạn bè văn nghệ, ông là người bạn, người đồng nghiệp tin cậy và đáng mến.
Đường văn của Bùi Hiển trải dài từ trước Cách mạng Tháng Tám (1945), 1945 - 1975, sau 1975 cho đến ngày ông nằm xuống. Đó là một sự nghiệp không dễ có đối với người cầm bút. Nhìn lại di sản của Bùi Hiển, có thể thấy ông đã tham dự vào đời sống văn chương trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, phê bình - tiểu luận, dịch thuật (một phẩm chất khá nổi bật của trí thức thế hệ vàng). Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài: nông thôn, phong tục tập quán, người lính và chiến tranh cách mạng, phụ nữ, trẻ em… Dù ở lĩnh vực nào, đề tài, đối tượng nào, Bùi Hiển vẫn luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa một cách kỹ lưỡng chi tiết, sự kiện và tìm tòi cách thức thể hiện sao cho thật gần gũi mà tinh tế.
“Chứng từ” của đời văn, đời người
Cuốn sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri xuất bản lần này trích công bố nhật ký của ông cùng thư từ cá nhân của bạn bè văn nghệ cũng như thư Bùi Hiển gửi người thân trong gia đình, bao gồm bốn phần: Phần 1: Con đường văn chương và Nhật ký; Phần 2: Ân tình bạn bè; Phần 3: Gia đình; Phần 4: Trong ký ức người thân.
Phần 1 của cuốn sách đem đến cho người đọc những hình dung khá cụ thể về con đường văn chương của Bùi Hiển trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Nhật ký của ông cũng được trích công bố trong phần này, bắt đầu từ ngày 23-2-1947 đến 24-3-2000. Biết bao câu chuyện, biết bao gương mặt bạn bè, văn hữu xuất hiện trong những ghi chép thường ngày của ông, khiến người đọc như được xem lại những thước phim cũ. Những niềm vui, nỗi buồn, công việc đi thực tế, làm tư liệu, bếp núc nhà văn, những dấu ấn văn nghệ, những cuộc trao đổi, tranh luận về văn chương, những gặp gỡ, chia tay và nhung nhớ vợ con gia đình, những sum vầy đầm ấm sau ngày đất nước thống nhất… hiện ra qua những trang nhật ký của Bùi Hiển gần gũi, ấm áp, thân tình. Ở đó, ông vẫn bộc lộ một cái nhìn nhân hậu, bao dung với mọi người, mọi chuyện. Nhật ký ngày 29-12-1972, ông viết: “Những ngày này sống ở Hà Nội, giữa lòng những đau thương tột đỉnh, những kinh hoàng khủng khiếp xen lẫn với những hào hùng khôn cùng, thật quý báu xiết bao” (tr. 76).
Phần 2 trích đăng một số thư từ bạn bè văn nghệ gửi Bùi Hiển từ đầu những năm 1940. Thông qua những bức thư của Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Đào Vũ, Hoàng Trung Thông, Hoàng Phủ Ngọc Tưởng, Ý Nhi… người đọc có thể nhận ra những mối quan hệ thân tình, gắn bó, trân trọng, giữa Bùi Hiển và bè bạn văn nghệ. Cũng từ những bức thư ấy, với những tên tuổi lừng lẫy ấy, người đọc cũng nhận ra vị trí của Bùi Hiển và cái nhìn trọng thị của văn giới đối với ông.
Phần 3 của cuốn sách công bố bức thư của cụ Bùi Công Trứ gửi con trai Bùi Hiển năm 1949. Cùng với đó là nhật ký ghi lại tình cảm cha con sâu nặng; những bức thư Bùi Hiển gửi người thân trong gia đình hay người thân gửi Bùi Hiển từ những năm 1940… Những tờ thư cũ, với người trong cuộc là câu chuyện gia đình, nhưng với người đọc hôm nay, là sự bổ sung những góc nhìn về con người và thời đại Bùi Hiển đã sống. Vì thế, giá trị tư liệu của cuốn sách này rất cao. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn trong phần 4 của cuốn sách: Trong ký ức người thân.
Do tính chất đặc thù (riêng tư) của thể loại nhật ký, những công bố bao giờ cũng đi kèm với sự đắn đo, cân nhắc từ phía gia đình, nhưng sẽ mang lại nhiều thông tin ích lợi cho công chúng. Nhật ký của Bùi Hiển vì thế sẽ là một tư liệu quan trọng, một ấn phẩm cần thiết cho các nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử xã hội… trong cái nhìn hồi cố và tương sánh. Từ những trang nhật ký của Bùi Hiển, người đọc hôm nay nhận diện được quá khứ thông qua lăng kính của một nhà văn đã tham dự một cách tích cực vào diễn trình văn chương, chứng kiến những biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện định hình diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ 20.
Cuốn sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri giống như một “chứng từ” của đời văn, đời người và lịch sử văn chương. Bạn đọc hôm nay thấy được ở đó không chỉ là quá khứ, mà còn là công việc lao động, bếp núc của nhà văn, phẩm chất, lương tri, lương năng của người cầm bút, thái độ và tình cảm của nhà văn Bùi Hiển đối với thế giới rộng lớn chung quanh cũng như những người thân yêu trong gia đình. Cuốn sách cũng là cơ hội để những người yêu văn chương nói chung, yêu quý nhà văn Bùi Hiển và các tác phẩm của ông nói riêng, hồi tưởng, chiêm ngưỡng lại những năm tháng đã qua cùng sự vận động tiếp diễn của các giá trị văn học. Nhật ký của Bùi Hiển cũng như đời văn của ông, còn như một kinh nghiệm quý báu đối với những người cầm bút hôm nay.
Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, Bùi Hiển để lại 32 đầu sách sáng tác (truyện ngắn, ký, phê bình - tiểu luận) và chín cuốn sách dịch cùng với khoảng 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký. Trong các tác phẩm của ông, người đọc nhận ra nét duyên dáng, tinh tế và đặc biệt là cái nhìn gần gũi thân tình với cuộc sống sinh hoạt đời thường, bình dị.