Bất ổn an ninh ở Uganda

Các nhà chức trách Uganda mới đây bắt giữ thủ lĩnh của một nhóm nổi dậy bị cáo buộc khủng bố và sát hại du khách nước ngoài tháng trước. An ninh tại quốc gia Đông Phi đang cho thấy những bất ổn khi để xảy ra nhiều vụ tiến công và bắt cóc khách du lịch thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Một vụ tấn công đốt xe do ADF thực hiện. Ảnh: BBC
Một vụ tấn công đốt xe do ADF thực hiện. Ảnh: BBC

Ngày 13/11 vừa qua, giới chức Uganda thông tin, Abdul Rashid Kyoto, thủ lĩnh của nhóm nổi dậy Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF), đã bị bắt tại hồ Edouard, nằm ở biên giới giữa Uganda và CHDC Congo trong một chiến dịch của quân đội Uganda triển khai hồi đầu tháng.

Abdul bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ sát hại vợ chồng du khách người Anh và Nam Phi ở Công viên quốc gia Queen Elizabeth (phía tây Uganda) vào ngày 17/10. Trong báo cáo điều tra vụ tấn công ở công viên quốc gia, Văn phòng công tố viên Uganda cho biết, thủ lĩnh của ADF bị buộc tội khủng bố, giết người, cướp tài sản cấp độ nghiêm trọng. Thủ lĩnh của ADF cũng tình nghi liên quan vụ thảm sát trường học hồi tháng 6 khiến 42 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh.

Theo CNN, một ngày sau vụ việc tại Công viên Queen Elizabeth, trên ứng dụng tin nhắn Telegram, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận đứng sau âm mưu này. Chính phủ Anh sau đó cảnh báo công dân không tới khu vực nói trên trừ trường hợp cần thiết. Vụ sát hại cặp vợ chồng du khách người nước ngoài tại Queen Elizabeth, một trong những công viên nổi tiếng nhất của Uganda, đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, vốn đóng góp gần 10% GDP của nước này, theo số liệu năm 2022.

Vụ tấn công tại địa điểm du lịch nói trên không phải vụ việc đầu tiên du khách bị sát hại tại Uganda. Trước đó, hồi tháng 4, một nữ du khách 35 tuổi người Mỹ và hướng dẫn viên của cô đã bị các tay súng phục kích và bắt giữ khi họ lái xe cũng trong Công viên Queen Elizabeth. Những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc 500.000 USD. Một tuần sau đó, Chính phủ Uganda cho biết, đã bắt giữ tám người dân địa phương bị nghi ngờ liên quan vụ bắt cóc. Tiếp đó, ngày 13/10 vừa qua, phiến quân ADF cũng đã phục kích trên đường ở thị trấn Kasese, cách biên giới với CHDC Congo khoảng 2 km, đốt cháy một xe tải chở dân thường và sát hại ít nhất một người.

Quân đội Uganda sau đó đã không kích các căn cứ của ADF ở miền đông CHDC Congo. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ngày 15/10 đã lên tiếng cảnh báo, phiến quân ADF có thể sẽ thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Trong tuyên bố ngày 18/10, ông Yoweri Museveni cũng chỉ trích các hành động của ADF là hèn nhát khi các phần tử khủng bố nhằm vào dân thường vô tội. Ông cũng khẳng định, lực lượng chức năng nước này sẽ truy tìm những kẻ gây ra vụ tiến công ở Công viên Queen Elizabeth và bắt chúng chịu sự trừng phạt thích đáng.

Theo The Guardian, những vụ tấn công liên quan tổ chức khủng bố ADF thời gian qua đã cho thấy những bất ổn an ninh nghiêm trọng tại Uganda. ADF được thành lập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước tại Uganda với tư cách là một nhóm Hồi giáo vũ trang chống lại chế độ của Tổng thống Yoweri Museveni. Trước những hoạt động truy quét của Chính phủ Uganda cùng các nước láng giềng thời điểm đó, ADF đã trở nên suy yếu. Dù vậy, trong những năm gần đây, tổ chức này đã bí mật liên hệ với IS, nhóm khủng bố khét tiếng nhất hành tinh. Tháng 7/2019, IS chính thức công nhận ADF là một trong những chi nhánh của mình ở châu Phi. Kể từ đó, IS liên tục tài trợ cũng như “khuyến khích” ADF bành trướng thế lực ở Uganda nói riêng và châu Phi nói chung.

Năm 2021, Mỹ đã liệt ADF vào danh sách các nhóm khủng bố có liên quan IS. Từ tháng 11/2022, lực lượng chung của quân đội Uganda và CHDC Congo đã tiến hành truy quét ráo riết nhóm phiến quân này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khủng bố, những vụ tấn công do tổ chức này thực hiện mới đây đã cho thấy các chiến dịch của lực lượng chức năng Uganda cũng như đồng minh vẫn chưa thật sự đạt được những hiệu quả mong muốn.