“Cuộc đua” phát triển thuốc điều trị Covid-19

Trong các giải pháp được triển khai để phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay, việc tiêm vaccine vẫn được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích nghiên cứu sản xuất thuốc đặc trị trong nước và đẩy mạnh tiếp cận nguồn cung thuốc đặc trị của các nước trên thế giới. Trước mắt, việc phát triển thuốc trị Covid-19 vẫn là cuộc đua khoa học toàn cầu. Tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 Vipdervir cũng đã cho thấy kết quả bước đầu.

PGS, TS, nghiên cứu viên cao cấp Lê Quang Huấn (giữa) và các cộng sự nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Ảnh: TTXVN
PGS, TS, nghiên cứu viên cao cấp Lê Quang Huấn (giữa) và các cộng sự nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Ảnh: TTXVN

Triển vọng thuốc y học cổ truyền điều trị Covid-19

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có tên gọi Vipdervir được bào chế từ thảo dược của Việt Nam. Đây là đề tài nghiên cứu do PGS, TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện. Mục tiêu của nghiên cứu tạo ra thuốc từ thảo dược Việt Nam để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh do virus RNA gây ra, đặc biệt virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Trước đó, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc y học cổ truyền Vipdervir. Trong tháng 8 này, nhóm nghiên cứu sẽ tuyển chọn tình nguyện viên là bệnh nhân mắc Covid-19 từ thể nhẹ đến thể nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Việc nghiên cứu sẽ thực hiện trong vòng hai tháng và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có những sản phẩm đầu tiên.

PGS, TS Lê Quang Huấn cho biết, khác với hướng đi của nhiều quốc gia, chúng ta tiếp cận thuốc ức chế SARS-CoV-2 từ nhiều loại thảo dược trong nước. Cụ thể, trong thuốc Vipdervir có tám thảo dược đáp ứng các tiêu chí sản xuất ở Việt Nam và vốn được dân gian ưa dùng như: Xuyên tâm liên, cam thảo, trà hoa vàng… Bên cạnh đó, với công nghệ hiện đại tin sinh học (phần mềm AutoDock), nhóm nghiên cứu đã sàng lọc các hoạt chất chính và xác định, tạo được tổ hợp trong các thảo dược có ái lực liên kết mạnh với các đích phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2 nhằm bào chế được thuốc từ dược liệu.

Với các loại thuốc điều trị Covid-19 hiện nay đã được thông qua tại nhiều nước trên thế giới thì cơ chế chủ yếu là ức chế một loại enzyme để virus không thể nhân lên. Thuốc từ dược liệu Vipdervir của Việt Nam cũng có những hoạt chất nhằm ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào, nghĩa là những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ cũng sẽ mất khả năng tăng sinh. Ngoài ra, Vipdervir còn có thêm khả năng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ; kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus. 

Vừa qua, thuốc Vipdervir đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, tăng cường miễn dịch tại Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư và Bộ môn Dược lý tại Trường ĐH Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Thuốc Vipdervir đồng thời được nghiên cứu bào chế, sản xuất thử nghiệm và đánh giá độ ổn định tại Công ty CP Hóa dược Việt Nam.

“Cuộc đua” phát triển thuốc điều trị Covid-19 -0
 Thuốc điều trị Covid-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng.

Chủ động nguồn dược liệu, tiếp cận nguồn cung thuốc điều trị Covid-19 

Hiện nay, trên thế giới đã thông qua một số thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 như tại Mỹ hay Liên hiệp châu Âu sử dụng thuốc Remdesivit. Còn từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng thuốc Favipiravir. Sau đó, các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italia cũng sử dụng loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Cùng với thuốc dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang nghiên cứu rút ngắn quy trình tổng hợp nguyên liệu thuốc Favipiravir dùng điều chế thuốc điều trị Covid-19. Từ đó, tiến tới tự chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước và sản phẩm cũng có giá thành thấp hơn.

PGS, TS Ngô Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: “Nguyên liệu Favipiravir đã tổng hợp thành công trong phòng thí nghiệm, đạt tiêu chuẩn về dược dụng của nguyên liệu dùng làm thuốc điều trị Covid-19. Hiện, hiệu quả khi sử dụng lâm sàng đạt tới 97%. Bằng cách thay đổi phương pháp tổng hợp và thay đổi sử dụng nguyên liệu đầu, chúng tôi đã rút ngắn quy trình xuống còn ba bước. Nhóm nghiên cứu dự kiến đăng ký bằng sáng chế đối với quy trình này”.

Kết quả nghiên cứu của Viện Hóa học đã tiết kiệm được nhiều vật tư, hóa chất cũng như nâng cao được hiệu suất chung của cả quy trình và quan trọng là phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực hiện tại Việt Nam. Việc làm chủ được công nghệ tổng hợp nguyên liệu thuốc Favipiravir sẽ giúp bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam có thêm một lựa chọn điều trị. 

Bên cạnh các giải pháp nghiên cứu, Bộ Y tế cũng đang ưu tiên đẩy mạnh tiếp cận nguồn cung thuốc đặc trị Covid-19 trên thế giới. Ông Phan Công Chiến, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Đối với một số thuốc như thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng, thuốc sử dụng cho những bệnh nhân có diễn biến đặc biệt như Argatroban, Dexamethasone… Cục Quản lý dược thường xuyên có văn bản đôn đốc các sở y tế, các doanh nghiệp trong việc bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá trên thị trường nói chung và điều trị Covid-19 nói riêng. 

Theo báo cáo đến thời điểm hiện tại, tất cả các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu điều trị Covid-19 đều có trong kho tại Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm có thuốc sẵn sàng cho điều trị thì phải chủ động đặt hàng, dự trữ cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Từ đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu có căn cứ tăng dự trữ nguyên liệu, tăng công suất sản xuất, tăng nhập khẩu để cung ứng theo nhu cầu.

Đối với thuốc mới được phê duyệt để sử dụng điều trị Covid-19 như thuốc kháng virus, thuốc kháng đơn bào, Cục Quản lý dược cũng lên kế hoạch để bảo đảm nguồn cung. Theo đó, thuốc kháng virus chứa dược chất Remdersivir được cấp phép nhập khẩu theo yêu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện và đã được phân bổ theo nhu cầu các đơn vị điều trị. 

Đối với thuốc kháng thể đơn dòng, hiện Việt Nam cũng đã chuẩn bị một cơ số, Cục Quản lý dược đã làm việc với nhà cung cấp, đơn vị tài trợ để đưa một số lượng lớn về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Với một số thuốc đang trong giai đoạn nghiên cứu, Cục Quản lý dược cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế như Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo để có kế hoạch nhập khẩu đưa về Việt Nam ngay sau khi thuốc được lưu hành.

Với số thuốc Remdersivir đã về đến Việt Nam, Bộ Y tế chỉ định dùng cho những bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng. 10.000 lọ trong tổng số 50.000 lọ thuốc Remdersivir đầu tiên đã được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện hồi sức tại TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, ngay trong tháng 8 này sẽ có tổng cộng 500.000 lọ Remdersivir có tác dụng rút ngắn thời gian hồi phục cho các bệnh nhân điều trị Covid-19.

Ông Phan Công Chiến lưu ý, các thuốc chuyên khoa thường có giá trị lớn và đang khan hiếm trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 48 Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (năm 2007) thì đối với người mắc các bệnh dịch thuộc nhóm A, việc khám và điều trị hoàn toàn miễn phí. Bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ không phải trả chi phí cho các loại thuốc này.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngoài những dược phẩm thông thường như Oresol, Paracetamol, vitamin… các thuốc điều trị Covid-19 đều là thuốc chuyên khoa, phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Người dân không nên mua hay dự trữ các thuốc này. Các trường hợp bán thuốc theo đơn mà không có đơn thuốc sẽ bị xử phạt theo quy định.