Từ chuyện tình bên dòng Danube

Đối diện cùng tôi trong quán cà-phê bên bờ biển Nha Trang giữa mùa Covid là Lê Mỹ Benkõ Attila. Chàng trai mang hai dòng máu Việt Nam - Hungary miệng luôn nở nụ cười hiền này là kết quả của mối tình đẹp và buồn từ hơn nửa thế kỷ trước giữa cựu sinh viên Việt Nam Lê Mỹ Thành và thiếu nữ Sáli Judit ở xứ sở Budapest, nơi có dòng Danube thơ mộng chảy qua. 

Mẹ Sáli Judit và Attila khi cậu tròn một tuổi.
Mẹ Sáli Judit và Attila khi cậu tròn một tuổi.

Kỳ 1: Định mệnh nghiệt ngã

Người đầu tiên chia sẻ câu chuyện về mối tình Việt - Hung xúc động này, đồng thời nhiệt tình giúp đỡ tôi kết nối với những người cần gặp là anh Trần Quốc Bình từ Đại học Debrecen (Hungary). Từ anh Bình, tôi đã gián tiếp trò chuyện với bà Sáli Judit, ông Lê Mỹ Thành và gặp gỡ con trai Lê Mỹ Bankõ Attila của họ - người con của chuyện tình đầy xúc động năm xưa, mang trong mình một số phận đặc biệt…

1/Chuyện bắt đầu từ hiệp định về hợp tác đào tạo giữa hai quốc gia vào năm 1967. Từ hiệp định này, cùng với nhiều thanh niên Việt Nam khác, chàng trai Lê Mỹ Thành quê gốc Quảng Ngãi đã đến với thủ đô Budapest bên dòng Danube của đất nước Hungary tươi đẹp với tư cách là một du học sinh. 

Còn Sáli Judit, theo dòng ký ức hơn nửa thế kỷ trước, người Việt Nam đầu tiên bà được tiếp xúc là một nữ sinh viên đang được điều trị tại bệnh viện nhân một lần người bạn rủ bà đến thăm cô. “Tôi rất thương Ánh (tên cô gái ấy), Ánh người Hà Nội, sang Budapest học và bị chứng động kinh. Trong thời gian cô ấy nằm viện, tôi nhiều lần đến thăm và chúng tôi kết bạn với nhau. Ánh ra viện, tôi cũng thường đến với cô ấy ở ký túc xá trường Bánki Donat. Trong dịp đó, tôi làm quen với nhiều bạn người Việt. Các bạn kể với tôi rất nhiều về đất nước của họ, khi ấy đang có chiến tranh”, bà kể. 

Làm quen và dần cảm mến các bạn Việt Nam, Judit đã mò mẫm học tiếng Việt, học đan len, học cách để tóc dài và búi lên cao như các cô gái Việt. Judit xúc động khi nhớ về kỷ niệm: “Một bận, trong ký túc xá có chiếu phim và tôi đến xem. Anh Thành cũng ở đó. Phim về chiến tranh, tôi xúc động khóc. Có lẽ vì thế mà Thành đã chú ý đến tôi, anh đến bên tôi trò chuyện và tình yêu đã đến từ cái nhìn đầu tiên. Đó là một ngày cuối năm 1968…”. Đến với nhau như một định mệnh, rồi tình yêu của chàng trai Việt chớm tuổi 20 và cô gái Hung 16 tuổi đôn hậu, xinh đẹp ngày càng thêm say đắm. Yêu nhau, họ đã giúp nhau rất nhiều trong cuộc sống, học tập. Thành truyền cho Judit ngôn ngữ và văn hóa Việt; Judit cũng dạy Thành tiếng Hung. Nhờ Thành, tiếng Việt của Judit ngày càng lưu loát. Bà đã trở thành một người bạn thân thiết của cộng đồng du học sinh Việt Nam…

Tuy nhiên, bởi những quy định nghiêm ngặt lúc bấy giờ, hai người không thể đến được hôn nhân dù đó là khao khát cháy bỏng. Tháng 1/1972, với quyết định kỷ luật trong tay, Thành bị đưa về Việt Nam mà không có được một lời chia tay người yêu, dù biết Judit lúc đó đã mang trong mình dòng máu của ông. Sau này, Judit nói: “Với suy nghĩ là đứa con sẽ vĩnh viễn kết nối chúng tôi với nhau, chúng tôi đã trao cho nhau tất cả. Tháng 3/1972, con trai Attila ra đời”. Trở về Việt Nam, Lê Mỹ Thành phải đối diện với rất nhiều khó khăn, bị gia đình và xã hội dè bỉu, nhưng nỗi nhớ người vợ không hôn thú, người con khai sinh không có tên cha, một nỗi nhớ quay quắt. Ông cũng đã cố gắng làm tất cả để hy vọng được quay trở lại đất nước Hungary. Trò chuyện với tôi, giọng ông vẫn chưa nguôi thổn thức: “Không thể nói hết nỗi bi đát lúc bấy giờ của chúng tôi chú ạ. Nhớ lại, thật buồn. Tờ quyết định bị đuổi về nước trong tay là một cái án khủng khiếp thời bấy giờ. Vừa về đến Hà Nội, tôi đã ra ga Hàng Cỏ bốc vác thuê ba ngày để có đủ tiền gọi điện thoại một lần cho Judit. Cô ấy cũng đau khổ không kém gì tôi…”.
                   
Ở phía trời Tây vào ngày hôm đó, ngày mà Thành bị đưa về nước, Judit kể lại bằng ký ức như in: “Đó là chiều 27/1/1972, tôi chờ mãi mà Thành không đến. Bao giờ anh cũng xuống chiếc xe bus số 48 để đi đến chỗ tôi. Tôi đã chờ, hết chuyến này đến chuyến khác mà không thấy bóng dáng quen thuộc của người tôi yêu. Bảy giờ tối, tôi điện thoại đến ký túc xá, người ta nói rằng Thành đã được đưa về nước bằng tàu hỏa đêm qua. Khi đó, tôi mang thai bảy tháng”. Trong những ngày đó, Judit bụng mang dạ chửa chạy ngược chạy xuôi, bà xin gặp và trình bày nguyện vọng với các cơ quan công quyền, đại diện ngoại giao hai nước để tìm đường đưa Thành trở lại Budapest. Bà đã cố làm tất cả để giành lại người yêu của mình, cha ruột của con trai mình. 

2/Mới đây, tôi được xem bức ảnh người mẹ trẻ Sáli Judit tay bế cậu con trai mới hơn một tuổi đang trò chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng giữa sân bay Ferihegy vừa lúc máy bay của Thủ tướng hạ cánh trong cuộc thăm và làm việc của Thủ tướng ta tại nước bạn vào năm 1973. Bức ảnh này được đăng trên trang nhất tờ Phụ nữ Hungary (Nõk Lapja) phát hành ngày 14/6/1973, Judit đã chụp lại và cất giữ như một báu vật cho đến tận bây giờ. Trên bức ảnh, vị Thủ tướng tươi cười nắm tay người mẹ trẻ và vui vẻ trò chuyện. Bà kể: “Hồi đó, khi biết tin bác Phạm Văn Đồng đến thăm Hungary, bất chấp hàng rào an ninh dày đặc và đoàn người chào đón giữa sân bay, tôi đã bế con chen qua đám đông, tiếp cận với bác và tranh thủ liến thoắng kể thật nhanh câu chuyện của mình. Mọi người chung quanh đều sững sờ khi cùng nghe chuyện, không ai nói được câu gì…”.

Nhưng bởi hoàn cảnh Việt Nam đang có chiến tranh, bởi những quy định, bởi sự khó khăn về thông tin liên lạc, Judit và Thành đã mãi mãi không thể đến với nhau. Cậu bé Attila đã sống qua thời niên thiếu của mình mà không một lần được người cha ruột thịt vỗ về, ôm ấp. Rồi một ngày của hai năm sau đó, với sự tác động của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thành được cho phép trở lại Hungary. Anh quá đỗi vui mừng, bán nốt tài sản cuối cùng là chiếc xe đạp anh đưa về từ Hungary với hy vọng đủ lộ phí trở lại nước Hung. Nhưng tất cả đã quá muộn màng, đó cũng là lúc nhận tin Judit đã lấy chồng! Thành đau khổ và thất vọng, thời điểm đó, bị kỷ luật và đuổi học, có nghĩa là tương lai tươi sáng đã hoàn toàn khép lại và nhất là từ đây hai người không thể liên lạc cùng nhau nữa. 

Thời gian đi qua, rồi Thành cũng xây dựng tổ ấm và sinh những đứa con. Nhưng với Thành, nỗi niềm đau đáu trong lòng ông suốt bao tháng năm qua là không nguôi thương nhớ đứa con thơ dại được sinh thành từ mối tình đầu đắm say nơi đất khách năm xưa…

Sau này, nghe kể lại quãng đời cơ cực của Judit trong thời gian đó, Thành càng thương mẹ con bà nhiều hơn. Sinh con và hai năm chờ đợi người yêu trong vô vọng, đến một ngày, Judit bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Thời kỳ đó, người Hung cũng rất khắt khe với con cái trong chuyện tình cảm. Một buổi chiều giữa công viên Budapest, bà tình cờ gặp lại người bạn trai thời học phổ thông. Sau khi nghe hết câu chuyện của bà, người ấy đã chủ động đề nghị: “Nếu bạn và cháu không thấy phiền, thì cứ đến ở với mình, mình có nhà riêng”. Trong hoàn cảnh bất lực, tuyệt vọng, bà đã nhận lời. Judit nói: “Tôi đã phải ôm con cất bước đến ngôi nhà của bạn rồi sau đó kết hôn với anh ấy. Hàng chục năm trôi qua, cũng nhờ chồng tôi mà Attila được nuôi nấng trưởng thành. Anh ấy rất tốt với mẹ con tôi, luôn coi cháu như con ruột của mình. Nhưng thực lòng là tôi cũng vô cùng day dứt, dù không muốn, nhưng tôi đã không thể chờ đợi anh Thành trở lại…”.

3/ Bà Judit xúc động: “Khi còn là cô bé tuổi trăng tròn cho đến bây giờ, Việt Nam trong tôi luôn là một đất nước tươi đẹp, nghĩa tình mà tôi yêu quý. Qua Thành và những người bạn Việt Nam, tôi cảm nhận người Việt nhân hậu, mến khách và thông minh. Tôi yêu đất nước quê nội của con trai mình, một tình yêu tự nguyện. Đưa con về Việt Nam lần đầu vào năm 1993 và sau đó trở lại nhiều lần khi Attila chọn quê cha làm nơi sinh sống. Mẹ con tôi đã có dịp viếng lăng Bác Hồ, thăm nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên nhiều miền đất nước...”. Bà nói tiếp: “Chuyện tình của chúng tôi quả thật là éo le, ngang trái. Nhưng tôi không oán thán, bởi đó là chuyện của một thời, cũng không muốn làm tan vỡ những ký ức mà mình đã có trong nhiều năm tháng. Bây giờ, cháu Attila là sợi dây liên hệ, là nguồn động viên của cả hai chúng tôi. Tôi và Thành cũng đã làm tất cả để cháu trưởng thành, trở nên người có ích ở cả hai đất nước…”.

Cho đến lúc này, câu chuyện tình Hung - Việt tuy không có cái kết đẹp như mong muốn nhưng dù sao thì sợi dây liên hệ cũng đã rõ ràng. Cuối cùng thì Lê Mỹ Thành đã được một lần trở lại Budapest, nơi ông có tình yêu say đắm đầu đời. Sáli Judit thường qua lại Việt Nam, đất nước mà bà vô cùng yêu quý. Attila cũng trở về với quê cha của mình. Anh học tiếng Việt, lấy vợ người Việt, chọn quê hương Việt Nam để sống, làm việc và gửi gắm tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc đã sinh ra người cha của mình…

(Còn nữa)