Động lực để boxing bứt phá

Tấm vé dự Olympic Paris 2024 của nữ VĐV boxing Võ Thị Kim Ánh giống như một sự giải tỏa. Hành trình chinh phục tấm vé tham dự Thế vận hội của các “cô gái thép” Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều câu chuyện vượt ngưỡng ly kỳ. Với boxing, cuộc chiến đến Olympic còn hé lộ nhiều nghịch lý và vấn đề cố hữu của thể thao trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Kim Ánh (trái) là võ sĩ tài năng của boxing Việt Nam. Ảnh: ASBC
Kim Ánh (trái) là võ sĩ tài năng của boxing Việt Nam. Ảnh: ASBC

Sóng gió trời Âu

Thời điểm Đội tuyển boxing nữ Việt Nam lên đường sang Italia tham dự vòng loại Olympic, nhiều chuyên gia nhận định bộ môn này khó giành được kết quả thuận lợi. Niềm hy vọng lớn nhất - tay đấm Nguyễn Thị Tâm (từng giành suất chính thức tham dự kỳ thế vận hội cách đây bốn năm) mới chỉ hồi phục khoảng 90% thể lực sau ca chấn thương.

Hai ngày trước chuyến du đấu, những lo lắng xuất hiện khi chuyên gia nước ngoài của boxing Hà Nội Tawan Mungphingklang và một vận động viên nữ chưa nhận đủ quyết định để có thể yên tâm lên đường. Nhìn vào danh sách các đối thủ sắp tới, ngẫm lại những trận thua liên tiếp của boxing nữ gần đây, lại thêm cả những lùm xùm giấy tờ kia, chẳng ai dám mơ mộng về một kết quả tích cực.

Bất kể sự cạnh tranh được dự báo là vô cùng quyết liệt, cả sáu võ sĩ nữ (gồm Nguyễn Thị Tâm, Võ Thị Kim Ánh, Nguyễn Huyền Trần, Hà Thị Linh, Hoàng Ngọc Mai, Lưu Diễm Quỳnh) đều thể hiện sự khát khao và quyết tâm thi đấu hết mình. Tuy nhiên, ngọn lửa cháy bỏng ấy ngay lập tức gặp phải “gáo nước lạnh”.

Nguyễn Thị Tâm phải dừng bước trong trận ra quân ở hạng 50 kg. Lần lượt Hà Thị Linh (hạng 60 kg) và Hoàng Ngọc Mai (hạng 66 kg) cũng để thua đầy tiếc nuối từ vòng đầu. Những tưởng các đại diện còn lại của Việt Nam sẽ khó lòng vượt qua sức ép đè nặng, Võ Thị Kim Ánh đã vụt sáng và liên tiếp giành chiến thắng.

“Kim Ánh đã thể hiện ý chí tuyệt vời và vô cùng bình tĩnh trong thi đấu. Việc chủ động di chuyển cùng khả năng ra đòn mạnh mẽ và chính xác giúp cô ấy luôn nhỉnh hơn đối phương. Chứng kiến các đồng đội thua liên tục và phải dừng bước, Kim Ánh vẫn giữ được sự tỉnh táo, không để yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tâm trí, chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là thi đấu và giành chiến thắng”, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển boxing nữ Việt Nam Nguyễn Như Cường nhận định.

Tổng cộng 233 võ sĩ nữ đến từ 113 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia tranh tài vì mục tiêu 21 tấm vé đến Thế vận hội. Riêng nội dung 54 kg có tới 40 tuyển thủ. Kim Ánh đã xuất sắc vượt qua Estefani Almanzar (Cộng hòa Dominica), Hanna Lakotar (Hungary) và Islem Ferchichi (Tunisia). Mỗi trận đấu khi ấy giống như một cuộc vượt ngưỡng ngoạn mục.

Khi boxing Việt Nam được giải tỏa áp lực tâm lý, ông Cường cũng chia sẻ câu chuyện bên lề. Trước trận thi đấu với Hanna Lakotar, xe bus chở đội tuyển vì trục trặc bất ngờ đã không xuất hiện. Từ khách sạn đến nhà thi đấu mất khoảng 50 phút di chuyển, Ban huấn luyện phải nhanh chóng bắt taxi cho Kim Ánh và chuyên gia nước ngoài để cả hai kịp giờ thượng đài. Chỉ cần chần chừ đôi chút, chúng ta nhiều khả năng đã lỡ dở cơ hội đến Pháp.

Tài năng chưa gặp thời

Trái ngược vẻ ngoài gan dạ, mái tóc ngắn, cùng những vết bầm mờ trên gò má, Kim Ánh gây bất ngờ nhờ chất giọng nhỏ nhẹ và sự lễ phép của người con An Giang. “Đây là kết quả tốt nhất bản thân tôi từng đạt được sau hơn 10 năm theo đuổi bộ môn này. Thật sự, không nhiều gia đình muốn thấy con gái mình vung nắm đấm cùng đôi găng boxing. Tôi rất may mắn đã có ông nội động viên, cũng như ủng hộ trên quãng đường tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Tấm vé này tôi sẽ gởi đến ông để cùng chung vui”.

Với Kim Ánh, biết đến boxing giống như sự sắp đặt của số phận. Cô tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2012 và nhanh chóng gây ấn tượng với các thầy cô thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao An Giang. Chính đôi găng là đồ vật đầu tiên được trao cho cô bé học sinh lớp 9 chứ không phải đôi giày hay trái bóng tròn.

Theo đánh giá của Huấn luyện viên đội boxing An Giang Đỗ Thị Thu An, thể hình của Kim Ánh tuy mỏng và nhẹ cân so độ tuổi, nhưng sải tay dài và tinh thần thép là tố chất không thể trộn lẫn của boxing. Vượt qua những điểm yếu về thể chất ở giai đoạn đầu, ý chí quyết tâm, nỗ lực của Ánh cũng góp phần giúp cô dần bộc lộ tài năng vượt trội.

Kim Ánh không mất nhiều thời gian để bứt phá về thể lực so các bạn nữ cùng lứa. Còn khi thi đấu đối kháng, chỉ các vận động viên nam mới đủ sức chống chọi lại sức đánh của cô.

Chưa đầy một năm ăn tập, Kim Ánh nhanh chóng được đôn lên tuyến trẻ của tỉnh. Cô tham dự giải đấu cấp quốc gia đầu tiên tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2014 và giành ngay tấm Huy chương đồng. Việc tiếp tục ghi dấu ấn tại Giải vô địch quốc gia 2015 giúp nữ võ sĩ được triệu tập vào Đội tuyển boxing An Giang. Từ năm 2019-2023, Kim Ánh khuynh đảo sàn đấu quốc nội khi giành tới năm tấm Huy chương vàng liên tiếp.

Tài năng là thế, Kim Ánh dường như kém duyên trong mầu áo đội tuyển quốc gia. Ba kỳ gần nhất các võ sĩ Việt Nam tham dự SEA Games, danh sách đăng ký thi đấu đều không xuất hiện cái tên Võ Thị Kim Ánh.

Ở kỳ SEA Games 30, Đỗ Nhã Uyên là gương mặt được lựa chọn. Tới kỳ Đại hội diễn ra trên sân nhà, boxing nữ không tổ chức thi đấu hạng 54 kg. Gần nhất, lãnh đạo bộ môn đã từ chối đề xuất đưa Kim Ánh so tài ở SEA Games 32 của ban huấn luyện, cũng như không tin tưởng giao cho cô trọng trách thi đấu tại kỳ ASIAD 19.

Việc võ sĩ An Giang sớm dừng bước ngay vòng loại Giải vô địch thế giới (trong khi Nguyễn Thị Tâm lọt tới trận đấu cuối cùng) là nguyên nhân giải thích cho những quyết định kể trên. Á quân thế giới đã phải đôn lên tới gần 4 kg để giành Huy chương vàng ở Đại hội thể thao khu vực. Sau đó, cô vướng phải chấn thương và chưa thể tìm lại phong độ đỉnh cao của mình.

Tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 giống như “cơn mưa rào” cần thiết làm dịu đi những tranh cãi cháy bỏng trước đây. Nữ võ sĩ An Giang cũng khẳng định quyết tâm nỗ lực chiến đấu, giành lấy cơ hội được một lần mang vinh quang về cho Tổ quốc và gia đình ở sân chơi khu vực.

Những nghịch lý

Thực tế, câu chuyện về vận rủi hay thậm chí là khao khát của Kim Ánh đã hé lộ hàng loạt vấn đề. Bài toán thành tích là điểm yếu cố hữu bao lâu nay khiến những kế hoạch phát triển thể thao đường dài bị lung lay và khó có thể triển khai một cách đồng bộ.

Dù khẳng định mục tiêu vươn tầm châu lục, hướng tới ASIAD hay sân chơi Olympic, SEA Games vẫn là đấu trường vừa sức, phù hợp với sự đầu tư và phát triển của vận động viên Việt Nam. Đã vô số lần, các chuyên gia khẳng định cần phải từ bỏ tư duy “ao làng”, chú trọng thúc đẩy lứa trẻ chinh chiến ở sân chơi khu vực. Song, khi thành tích không bảo đảm, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho quyết định trên.

Tấm huy chương SEA Games không chỉ mang đến niềm tự hào, mà còn là thành tích giúp các vận động viên có thêm những khoản tiền thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, việc các võ sĩ nước nhà khao khát thi đấu ở sân chơi này còn cho thấy nghịch lý tồn tại ở bộ môn boxing. Đó là không nhiều cá nhân tài năng sẵn sàng tiến lên chuyên nghiệp. Một trận đấu khi ấy kéo dài tới 12 hiệp và yêu cầu sự chuẩn bị khác hẳn, thay vì chỉ ra sân khoảng ba đến năm hiệp đấu.

Các sự kiện thể thao quốc tế lớn như Olympic, ASIAD, Giải vô địch thế giới hay SEA Games đều thi đấu theo thể thức bán chuyên nghiệp. Con đường này ít chông gai hơn, đồng thời sẽ bảo đảm được các khoản thưởng. Song, cần nhìn nhận thẳng thắn, nếu các võ sĩ được tạo điều kiện và đầu tư nhiều thêm, Việt Nam hoàn toàn có thể sản sinh những nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp ở đẳng cấp thế giới.

Như trường hợp của Kim Ánh, dù là võ sĩ tài năng, cô gái quê An Giang chỉ thật sự vươn tầm thế giới khi tập luyện tại Hà Nội, nơi có những vận động viên hàng đầu cùng giáo án tập bài bản. Trải qua năm 2023 tập luyện cùng đội tuyển ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kim Ánh thua một cách chóng vánh ngay trong trận mở màn Giải vô địch thế giới.

Trong các buổi hội thảo về phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Thể dục Thể thao tổ chức, lãnh đạo và các chuyên gia đầu ngành đều nhấn mạnh phải ưu tiên đầu tư boxing nữ và tập trung các vận động viên xuất sắc ở Thủ đô. Bởi, đây là địa phương phát triển boxing nữ mạnh nhất cả nước, với dàn hảo thủ ở nhiều hạng cân và đủ mọi lứa tuổi. Mức độ đầu tư của Hà Nội dành cho boxing nữ cũng thật sự khác biệt nhờ nguồn lực tài chính, cũng như tầm ảnh hưởng của mình. Kinh phí đưa ông Tawan đến Italy theo Đội tuyển boxing Việt Nam cũng do đơn vị này chi trả.

Kim Ánh trở lại Thủ đô ngay lập tức được cọ xát cùng những tay đấm xứng tầm, bên cạnh sự chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài chất lượng. Cô không mất nhiều thời gian để đạt được thể trạng sung mãn nhất. Giành tấm vé tới Paris chính là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình này.

“Để chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới, tôi thấy mình cần bổ sung là tích lũy thể lực. Thi đấu boxing yêu cầu sự bền bỉ xuyên suốt các hiệp đấu, bên cạnh yếu tố về chiến thuật, khả năng thích ứng với từng đối thủ. Tôi rất hạnh phúc khi giành vé Olympic và sẽ nỗ lực hết mình để hướng tới những cột mốc mới”, Kim Ánh thể hiện sự quyết tâm.

Theo khẳng định của Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển boxing nữ Việt Nam Nguyễn Như Cường, sau giải đấu tại Italy, các võ sĩ nữ chưa có vé vẫn còn một cơ hội nữa - vòng loại diễn ra tại Thailand trong tháng 5 tới. Ban huấn luyện và các vận động viên đặt quyết tâm rất cao. Toàn đội đã phân tích kỹ đối thủ và tình hình thực tế để cân nhắc, tính toán lựa chọn nội dung thi đấu phù hợp.

Từ ngày 1/1/2024, thành phố Hà Nội quyết định ưu đãi trợ cấp, đãi ngộ đặc thù cho các vận động viên vượt qua vòng loại Olympic ở mức 17 triệu đồng một người mỗi tháng, từ thời điểm giành vé cho tới kỳ Thế vận hội bốn năm sau. Tấm vé của Kim Ánh và những đổi mới về chế độ chắc chắn sẽ mang đến cú huých tinh thần và động lực để các võ sĩ boxing bứt phá.