Ngược thượng nguồn

Dòng sông hai nguồn nóng lạnh

Nhạc sĩ Trần Hoàn khi về với miền đất Bắc Kạn đã hứng khởi sáng tác bài hát “Đường về Bắc Kạn”. Lời tác phẩm có đoạn: “Núi tiếp núi, mây liền mây/Đây đèo Gió, đó đèo Mây/Lần sông Cầu ta đi về Bắc Kạn...”. 

Người ta thường biết tới sông Cầu với mỹ danh dòng sông quan họ. Nhưng còn một hình ảnh sông Cầu khác, nơi thượng nguồn ở vùng rừng núi Bắc Kạn. 

Sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Bắc Kạn.
Sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Bắc Kạn.

Sông từ núi trắng

Sông Cầu khởi nguồn từ đỉnh Phja Khao, còn gọi là núi Tham Thẩu (Tam Tao), xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Theo tiếng Tày, Phja Khao nghĩa là Núi Trắng. Có lẽ hình ảnh mây mù bao phủ trắng đỉnh núi mỗi ngày là hình tượng để đồng bào dân tộc Tày nơi đây gọi đỉnh núi này với một cái tên hình tượng như vậy. 

Từ trung tâm xã Phương Viên đến nơi khởi nguồn sông Cầu chỉ mất khoảng 5 km. Dưới tán rừng xanh thẫm, đầu nguồn sông Cầu hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ. Dòng nước chảy từ chân phía núi Phja Khao xuống tạo thành từng tầng nước, xen giữa là các tảng đá mồ côi lớn nhỏ. Nước trong vắt nhìn rõ cả từng viên sỏi, đá. Quanh khu vực thượng nguồn chủ yếu là rừng phòng hộ với nhiều cây tạp, chỉ có tiếng nước róc rách chảy, thi thoảng có tiếng chim muông. Người dân nơi đây cho biết, đầu nguồn sông Cầu có một nhánh bắt nguồn từ Núi Trắng, một nhánh lượng nước nhiều hơn gọi là “mốc 3 cạnh” thuộc dãy núi giáp ranh xã Bằng Phúc, Quảng Bạch, khi đến trung tâm thôn Bằng Viễn 1 thì hai nhánh hòa làm một.

Từ xã Phương Viên, sông Cầu chảy ngoằn ngoèo giữa hai dãy núi Ngân Sơn và dãy núi Sông Gâm  tới địa phận xã Dương Phong, huyện Bạch Thông rồi đổi hướng để chảy qua thành phố Bắc Kạn tới xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. Từ đây, sông tiếp tục chảy về huyện Chợ Mới, đến Thái Nguyên, tới Hà Nội sông nhận thêm một chi lưu nhỏ là sông Cà Lồ rồi chảy tiếp về phía đông qua ranh giới của hai huyện Việt Yên (Bắc Giang) và Yên Phong (Bắc Ninh) rồi hợp lưu với sông Thương để tạo thành sông Thái Bình. 

Điểm đặc biệt của con sông Cầu là nó có tới hai nguồn ở thượng nguồn. Ngoài nguồn chính từ xã Phương Viên, đến đoạn thành phố Bắc Kạn, dòng sông nhận thêm một nguồn nữa từ xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông hợp lưu. Cụ Lý Khoa, Bản Áng (TP Bắc Kạn) bảo, không biết tự bao giờ và vì sao người dân Bắc Kạn gọi nhánh từ xã Phương Viên là sông nóng còn nhánh từ xã Đôn Phong là Nặm Cắt (nước lạnh) mặc dù về nhiệt độ nước thì không quá chênh lệch.  

Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có diện tích hơn 1.372 km2. Từ thành phố Bắc Kạn, sông Cầu uốn mình bên những cánh rừng tự nhiên, sải rừng trồng soi bóng xuống mặt nước. Có tới hơn 30 nhánh suối nhỏ đổ vào sông trên địa phận Bắc Kạn bổ sung thường xuyên lượng phù sa màu mỡ cho sông, như: Khuổi Bún, Nà Cú, Khuổi Lung, Tát Mèo, Cửa Khe, Khe Thuồng, Pe Pầu, Nhị Ca… Vì vậy, càng về xuôi thì lượng nước trên sông lại càng nhiều hơn. 

Theo lời của các cụ cao niên, những năm 1940 đến 1997, sông Cầu mênh mang nước. Vùng thượng nguồn sông Cầu vốn đầy đá mồ côi, có tảng to như cái phản giữa dòng, thế nhưng người dân vẫn có thể giong bè trên sông chở gạo, sản vật... từ xã Phương Viên ra đến tận thị xã Bắc Kạn (nay là TP Bắc Kạn) với chiều dài vài chục cây số. Giờ đây sông Cầu đã cạn nước nhiều, không còn hình ảnh những trai làng rắn rỏi, chống sào giong bè đi trên sông nữa. 

Sông trả nợ người

Nơi thượng nguồn sông Cầu này từng ghi dấu chân Bác Hồ. Theo lịch sử ghi lại, ngày 15 đến 16/5/1945, trên đường Nam tiến từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), Bác đã dừng chân ở thôn Bản Cải và Khuổi Đải. Tại đây, Bác căn dặn đồng bào phải tích cực sản xuất, góp sức cho cách mạng. Riêng trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân xã Phương Viên đã đóng góp gần 1 vạn tấn thóc. Thóc được đặt lên bè, mảng, xuôi theo sông Cầu hơn 40 km để ra thị xã Bắc Kạn.

Ở xã Phương Viên, toàn bộ diện tích hơn 200 ha đều nhờ nước tưới tiêu của dòng sông Cầu nên ruộng vườn nơi đây luôn trù phú. Nguồn nước mát lành ở đầu nguồn sông Cầu không chỉ tưới tiêu cho cánh đồng trù phú ở xã Phương Viên mà còn tạo nên một sản vật nức tiếng, riêng có của vùng đất này. Ấy là gạo Bao thai hồng và Bao thai trắng. Cùng là giống này đem trồng cấy ở nơi khác thì không bao giờ đạt được chất lượng như ở Phương Viên. Hàng chục năm trước, giống lúa quý này ở Phương Viên tưởng như đã tuyệt chủng. Nhờ sự nỗ lực của tỉnh cùng với nhiều biện pháp khoa học đã phục tráng thành công giống lúa này. Đến nay, gạo Bao thai đã được cấp nhãn hiệu tập thể với tên Bao thai Chợ Đồn, tạo nên một sản vật OCOP với giá trị kinh tế cao. 

Dòng sông mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ và cũng có lúc nó ồn ào, hung dữ tàn phá đôi bờ. Có người bảo đấy là dòng sông trả hận việc con người tàn phá rừng thượng nguồn. Theo lời Trưởng thôn Bằng Viễn 1 (Phương Viên) Văn Tiến Thụ, trước đây, rừng trên Núi Trắng rậm rạp, ken đặc, nhiều gỗ quý. Có hàng chục điểm sinh thủy đổ nước vào đầu nguồn sông Cầu. Vậy mà, do nhận thức và cả khó khăn, đói nghèo, nhiều năm trước tình trạng phá rừng thượng nguồn thường xảy ra. Vào những ngày mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến cho cây cối đổ rạp, gỗ, củi trôi dạt xuống làng, sau mưa cánh rừng trở nên trơ trọi. Bây giờ nhờ có chính sách bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá rừng đã hạn chế rất nhiều, mấy năm nay, nước cũng đang dần trở về đầy lại, dù vẫn chưa thể nào dồi dào như thuở xưa.

Đi trên cây cầu treo nhỏ bắc qua sông Cầu ở đoạn xã Quang Thuận (Bạch Thông) là đến với Phiêng An, một thôn kiểu mẫu ở Bắc Kạn. Phiêng An nằm dọc sông Cầu với bát ngát những đồi chè, vườn ổi, táo. Hai bên trục đường chính của thôn là những gốc hoa hồng, hoa cúc đua nhau nở rộ. 

Câu chuyện về hưởng lợi từ sông được đồng bào dân tộc Dao ở Phiêng An nhắc nhở hằng ngày. Chuyện rằng, hơn 20 năm trước, nhiều hộ đồng bào Dao ở trên non cao, thiếu nước đã cùng nhau hạ sơn về với vùng đất ven sông Cầu này. Khi ấy, khắp vùng chỉ toàn bãi bồi, cỏ lau rậm rạp, cao lút đầu người, ruộng không có, cho nên cuộc sống rất khó khăn. Thấy cây chè hợp đất vùng đồi, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các hộ gia đình trong bản bàn nhau tìm tòi, học hỏi cách giâm cành, ươm hạt, mua thêm cây chè giống về trồng. Rồi bà con tìm cách trồng ổi Đài Loan (Trung Quốc). Được hưởng phù sa màu mỡ và dòng nước ngọt sông Cầu, giống ổi nhập ngoại cho trái to, ngọt tạo nên thương hiệu, cây chè cho búp tôm mập mạp, nước chè xanh tựa như nước sông Cầu. Nhờ sông Cầu, người dân Phiêng An đã đổi đời và đang bước vào xây dựng thành mô hình điểm du lịch nông thôn đầu tiên của cả tỉnh. 

Phường mang tên sông

TP Bắc Kạn là đô thị đầu tiên mà sông Cầu chảy qua trên hành trình vạn dặm về xuôi. Thị xã Bắc Kạn thành lập vào năm 1901 với một cụm dân cư thưa thớt sống trong một dãy phố nhỏ gồm có ba phố chính là Định Bình, Hoài Ân, Tòng Hóa. Đến năm 1949, thị xã được mở rộng thêm gồm các phố Đội Kỳ, Đội Thân, Minh Khai, Chí Kiên, Đức Xuân. Năm 1967, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sáp nhập thị xã vào huyện Bạch Thông, thị xã trở thành thị trấn của huyện Bạch Thông.

Đến năm 1990, thị xã Bắc Kạn một lần nữa lại được tái thành lập gồm ba đơn vị hành chính là phường Đức Xuân, Chí Kiên và phường Sông Cầu. Nhà cửa sinh sống của người dân chủ yếu là những dãy nhà cấp IV, ai có điều kiện thì đổ mái bằng, những ngôi nhà ngày trước kiến trúc đơn sơ, không cầu kỳ như bây giờ. Người ta vẫn nói vui thị xã những năm 1990-1991 chỉ có “3 trường, 3 phường, 3 xí nghiệp”. 
Di sản, chứng nhân lịch sử lớn nhất trên sông Cầu ở Bắc Kạn là cây cầu Phà được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở TP Bắc Kạn. Trải qua hàng trăm năm cầu vẫn cứng cáp, dù không có giá trị lớn để phục vụ giao thông nhưng là điểm nhấn của cả thị xã. Đến giờ, sát với cây cầu Phà, Bắc Kạn đã xây dựng một cây cầu mới có tên cầu Bắc Kạn 2 bằng bê-tông cốt thép, to hơn, vững chãi hơn. Hai cây cầu sát nhau, một già, một trẻ hằng ngày lặng lẽ chứng kiến dòng sông trôi. 

Thị xã bên sông ngày nào đã trở thành thành phố trẻ với quy mô dân số, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Cái tên sông Cầu xuất hiện ở nhiều địa danh vùng Bắc Kạn. Phường nơi có hai nhánh sông nóng, lạnh hợp lưu được đặt tên là phường Sông Cầu. Thành phố có trường Tiểu học, Trung học cơ sở Sông Cầu. Đầu nguồn nhánh sông lạnh (Nặm Cắt) có Nhà máy thủy điện Nặm Cắt. Phía cuối thành phố, nơi dòng sông cuộn chảy ở Thác Giềng có ngã ba Thác Giềng và Nhà máy thủy điện Thác Giềng... 

Mới đây, thành phố đã hoàn thành công trình đập dâng nước sông Cầu, khi đưa vào sử dụng, nước sẽ dâng tới tận ngã ba nơi hai nguồn nóng, lạnh hòa làm một tạo cảnh quan kỳ vĩ. Phía trên cầu Phà không xa, cây cầu mới với vóc dáng mỹ thuật ba hình vòm cũng đang được khẩn trương xây dựng. Phía bên hướng về sông nóng sẽ là đường Thanh Niên được quy hoạch thành phố đi bộ, phía bên dòng lạnh sẽ là khu đô thị hiện đại, khang trang được mang tên Bắc Sông Cầu. 

Trước khi rời Bắc Kạn, sông Cầu còn tưới mát cho những cánh đồng mía, bồi đắp phù sa cho những rừng mơ hoa trắng dịp xuân về, cung cấp nước cho sản xuất ở khu công nghiệp Thanh Bình tại huyện Chợ Mới. Về xuôi, sông Cầu sẽ còn qua nhiều bản làng trù phú, những đồi chè bát ngát ở Thái Nguyên, những làng nghề sôi động ở đất kinh kỳ hay những nhà máy lớn ở Phả Lại. Đứng bên sông lại nhớ tới câu nói của cụ Lý Khoa: “Chỉ lo sông Cầu ngày càng cạn nước”. Bảo vệ dòng sông có lẽ không chỉ là một nhiệm vụ riêng của Bắc Kạn mà còn cả những địa phương nơi nó đi qua.