Thích ứng khi bó buộc
Trong giãn cách, các nhà văn, cây bút gặp rất không ít khó khăn, từ tâm lý ứng phó dịch bệnh đến sự xáo trộn của sinh hoạt gia đình; nhiều công việc và kế hoạch phải gác lại. Do đó họ phải chuyển “trạng thái sáng tác” với tâm thế chung tay phòng, chống dịch. Nhiều đề tài chưa kịp viết, cùng với đề tài dịch bệnh được dành thời gian viết sâu hơn. Việc lấy thông tin nhiều khi được thực hiện trực tiếp thì nay gọi điện, phỏng vấn online…
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn (ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, hiện ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, nhiều việc gặp khó như đi thư viện, đặt sách các công ty sách, đi thực tế, rồi thì không về quê ở Nghệ An được, nhưng vẫn tìm cách thích nghi. Thậm chí phải làm việc nhiều và hiệu quả hơn bình thường. Thời gian qua, Đặng Thiên Sơn đã lập được đề cương cho cuốn sách mới, viết khá nhiều tản văn về ký ức, về quê hương, góp con chữ xoa dịu tâm trạng bức bối và chia sẻ được với nhiều bạn đọc.
Cũng không thể thong dong cho những chuyến thực tế vốn vẫn là đòi hỏi cao với các nhà văn quân đội, nhà văn Đinh Phương (biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà ở Hưng Yên) dành được nhiều thời gian đọc sách hơn. Anh vừa ấn hành cuốn tiểu thuyết công phu “Nắng Thổ Tang”, bước đầu đang gây chú ý. Còn Đức Anh (nhân viên truyền thông của Đinh Tị Books) được biết đến là một gương mặt viết truyện trinh thám trẻ và sung sức, thì cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến viết lách. “Song, khi phải ở nhà, tôi ở gần những ký ức của mình hơn, tôi có thể khai phá sâu hơn những phần ý tưởng thô mà trước đây tôi lưu trữ trong lâu đài ký ức của mình”, Đức Anh bày tỏ.
Muốn tác phẩm hay phải thật sự sáng tạo!
Có những ý kiến cho rằng, không cứ phải viết về đại dịch. Cũng như không nhất thiết phải viết ngay. Đó là đề tài lớn, cần độ lắng về thời gian để nghiền ngẫm. Nhà thơ, nhạc sĩ Lê Hưng Tiến (Hội Văn học nghệ thuật Ninh Thuận) cho rằng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người cũng đều phải vươn lên, sáng tạo. Để có tác phẩm hay về đại dịch hay bất cứ đề tài nào, phải khẳng định mình bằng những sáng tạo độc đáo, mang cá tính riêng biệt. Vậy nên với anh những tháng ngày qua, khi không được tham gia hoạt động văn chương, âm nhạc, cũng như không lên lớp nhạc hay dạy nhạc tại nhà được, thì đọc sách, đọc các bản thảo mới và góp ý cho bạn bè cũng chính là cách để rèn luyện bản thân.
Được biết, tác giả Đức Anh, từ năm 2020 đã triển khai viết một cuốn truyện trinh thám với bối cảnh đến cách ăn nói… phải thật Việt Nam. Đức Anh đã lấy bối cảnh một huyện đảo và một dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm, nhưng trong đó có một vụ án mạng - một cái chết bí ẩn giữa nhiều cái chết. Trong tác phẩm này, cao trào của vụ án cũng là cao trào của dịch bệnh. Nhưng sự khủng hoảng của bối cảnh không làm con người chờn lòng. Người cán bộ điều tra trong truyện đã truy đến cùng vụ án để bảo vệ công lý, bảo vệ niềm tin của bản thân vào xã hội. Có niềm tin này thì con người ta mới không sợ hãi trước những thảm họa. Tiểu thuyết “Đảo bạo bệnh” đã ra đời, giành được giải thưởng văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. “Cuốn sách khiến tôi gần gũi hơn với độc giả, cũng làm cho tôi nhận ra một số điểm mạnh hoặc điểm yếu của bản thân và chuẩn bị tâm thế để viết những tác phẩm tiếp theo”, Đức Anh tâm sự.
Nhà thơ Vương Tâm (nguyên Trưởng ban cuối tuần, báo Hà Nội mới) vốn hay đi cơ sở để viết ký, ghi chép, thơ, truyện. Dù tuổi đã cao, ông vẫn thường rong ruổi miền nam, Tây Nguyên, Tây Bắc... Tuy vậy trong thời gian qua, ông không đi đâu được, buộc phải liên hệ với cơ sở và nhân vật bằng thư điện tử và phỏng vấn qua điện thoại. Nhưng có lẽ nhờ giảm bớt các đề tài báo chí mà ông lắng lại nhiều hơn để sáng tác. Nhiều nhà văn, nhà thơ khác vẫn viết ký, tản văn, thơ, truyện ngắn cho các báo, tạp chí với những đề tài dịch bệnh, hòa cùng không khí chống dịch của địa phương, xã hội. Nhiều người tham gia các hoạt động thiện nguyện như một cách đóng góp, cũng chính là để tranh thủ bắt nhịp với đời sống.