Đại sứ quán Italia tại Việt Nam:

Cảm ơn tình yêu Dante tại Việt Nam

Kỷ niệm 700 năm Ngày mất Đại thi hào người Italia - Dante Alighieri (1265 - 1321), Đại sứ quán Italia tại Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, hợp tác văn học. Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam chia sẻ với Thời Nay.

Đại sứ Antonio Alessandro phát biểu khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi do Trung tâm Văn hóa và thương hiệu Italia tại Việt Nam tổ chức năm 2020. Ảnh: KHIẾU MINH
Đại sứ Antonio Alessandro phát biểu khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi do Trung tâm Văn hóa và thương hiệu Italia tại Việt Nam tổ chức năm 2020. Ảnh: KHIẾU MINH

Phóng viên (PV): Dù dịch Covid-19 đang phức tạp, Đại sứ quán vẫn có một số hoạt động kỷ niệm. Ngài có thể chia sẻ về các hoạt động này được không?

Đại sứ Antonio Alessandro: Chúng tôi đã phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tôn vinh Đại thi hào Dante Alighieri - tác giả của tác phẩm “Thần khúc” trong chương trình “Tiếng thơ” của đài. Vào giữa tháng 3 và tháng 4, chúng tôi đã tổ chức triển lãm kỹ thuật số “Địa ngục V” tại Casa Italia, giới thiệu trích đoạn số 5 trong phần “Địa ngục” của tác phẩm “Thần khúc”. Thông qua các hình ảnh, đoạn thơ và âm thanh, khách tham quan đã khám phá câu chuyện tình yêu huyền thoại, là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ khắp thế giới nhiều thế kỷ qua. Tháng 10 này, nhân dịp kỷ niệm tuần lễ tiếng Italia trên thế giới, chúng tôi sẽ kết hợp NXB KHXH tái bản bản dịch sang tiếng Việt tác phẩm“Thần khúc” của GS Nguyễn Văn Hoàn. Chúng tôi cũng đã liên hệ Khoa tiếng Italia - Trường đại học (ĐH) Hà Nội và Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) để ra mắt các bài viết về tác phẩm của Dante Alighieri tại Việt Nam. 

Để có được thành công của những sự kiện này, chúng tôi không thể không nhắc tới sự hỗ trợ của các công dân Italia sống tại Việt Nam và rất nhiều tập đoàn Italia đang hoạt động tại đây.

PV: Năm 2009, bản dịch của GS Nguyễn Văn Hoàn đã được chính Đại sứ quán giới thiệu tại Việt Nam. Và đến nay đây vẫn được coi là bản dịch hoàn chỉnh, chính xác, công phu nhất. Trước kia, GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng đã dành tâm sức chuyển ngữ một phần tác phẩm này sang tiếng Việt. Ngài có cảm nhận gì về những nỗ lực đó?

Đại sứ Antonio Alessandro: Tôi rất ấn tượng với những công sức bỏ ra và sự hiểu biết uyên thâm của ba dịch giả này. Để dịch được tác phẩm “Thần khúc” không chỉ yêu cầu dịch giả phải hiểu được tiếng Italia mà còn đòi hỏi một lượng kiến thức sâu sắc về văn hóa Italia, để có thể chuyển thể kỹ lưỡng sang tiếng Việt các sắc thái, các đoạn thơ và các giá trị nội dung của tác phẩm. Tôi xin trân trọng biết ơn những công việc mà họ đã đóng góp cho đất nước chúng tôi và cho Việt Nam.

Trong lần tái bản này của bản dịch “Thần khúc” do GS Nguyễn Văn Hoàn chuyển ngữ, chúng tôi dự kiến đưa vào một bài viết nói về ngọn nguồn thôi thúc ba dịch giả dày công tâm huyết đưa tác phẩm thời Trung cổ của Italia giới thiệu tới độc giả Việt Nam cũng như sự khác biệt về văn phong chuyển ngữ của họ. 

Các chuyên gia về Dante ở Italia biết rõ về sự tồn tại của bản dịch “Thần khúc” sang tiếng Việt. Các lãnh đạo của Hội Dante Alighieri, tổ chức được thành lập năm 1889 để sưu tầm các di sản của Dante và phổ biến tiếng Italia trên thế giới đã gặp gỡ GS Nguyễn Văn Hoàn. Lúc sinh thời, GS cũng đã có các chuyến công tác tại Italia. Vào năm 2002, Tổng thống nước Cộng hòa Italia đã ký quyết định trao tặng Huân chương Công trạng cho GS Nguyễn Văn Hoàn, ghi nhận sự đóng góp của ông trong việc quảng bá, nâng tầm ảnh hưởng về Dante ở châu Á. 

Tôi cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của thầy Trần Thanh Quyết - Trưởng khoa tiếng Italia - Trường ĐH Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Chi hội Dante Alighieri ở Việt Nam.

PV: Với văn học Việt Nam, ngài đại sứ có ấn tượng với tác phẩm nào chăng?

Đại sứ Antonio Alessandro: Các tác phẩm VHNT đã giúp tôi hiểu rõ về Việt Nam và làm tốt công việc ngoại giao của mình. Mặc dù không nói được tiếng Việt nhưng tôi luôn tìm cách cập nhật, tiếp cận các tác phẩm văn học Việt Nam trong quá khứ và đương đại. Tôi tò mò tìm hiểu quá trình chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ gốc Latin của Việt Nam. Tác phẩm tôi ấn tượng nhất là “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.

PV: Ngài đang ấp ủ những dự định gì nhằm đẩy mạnh hợp tác về văn học giữa Việt Nam và Italia?

Đại sứ Antonio Alessandro: Đại sứ quán đang quảng bá bản dịch các tác phẩm văn học Italia sang tiếng Việt thông qua hợp tác với các dịch giả và NXB. Tác phẩm Italia được dịch ra tiếng Việt gần đây nhất có tựa đề “Đi tìm nhân dạng” của nhà văn Luigi Pirandello. Chúng tôi cũng quảng bá các tác phẩm Việt Nam tại Italia, gần đây nhất là hỗ trợ việc xuất bản tập thơ “Ẩn số” của nhà thơ - nhà văn Kiều Bích Hậu, bản dịch của dịch giả Laura Garavaglia. 

Tôi cho rằng để hợp tác quốc tế về văn học, trước tiên cần am hiểu về ngôn ngữ của cả hai quốc gia. Tại Việt Nam có hai khoa giảng dạy tiếng Italia, tại Trường ĐH Hà Nội và ĐH KHXHNV -  ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Ở Italia chúng tôi cũng có các khóa học tiếng Việt tại Trường ĐH Orientale ở Napoli và Ca’ Foscari tại Venezia. Đất nước chúng tôi cũng có Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam tại Torino do bà Sandra Scagliotti đứng đầu. Tôi mong muốn bằng những công việc cụ thể, đẩy mạnh quan hệ trên tất cả những lĩnh vực nêu trên và giúp cho công chúng hai quốc gia hiểu rõ hơn về di sản văn học tuyệt vời của hai đất nước chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ngài!