Thể thao nhìn từ SEA Games

Kết thúc SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 HCV, xếp thứ nhất toàn đoàn. Đây là thành tích đáng tự hào bởi mặc dù là nước chủ nhà, đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu một cách sòng phẳng theo tinh thần cao thượng của thể thao, không đưa thế mạnh của mình vào nội dung thi đấu mà hạn chế thế mạnh của bạn.

Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản cho các môn Olympic. Ảnh: LÊ MINH
Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản cho các môn Olympic. Ảnh: LÊ MINH

Đây cũng là kỳ đại hội mà Việt Nam đi tiên phong trong việc đưa phần lớn nội dung thi đấu nằm trong hệ thống của ASIAD và Olympic. Có thể nói ở sân chơi khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã giải được bài toán thành tích ở đấu trường này một cách căn bản, vững chắc nhờ sự đầu tư tập trung, có tính toán kỹ.

Dù vậy, khi nhìn ra xa hơn, tới các đấu trường lớn hơn như ASIAD và Olympic thì thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn chưa đạt được như mong muốn. Theo ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, thì tại các sân chơi ASIAD, Olympic, cần phải tìm giải pháp khác, cần có sự khoanh vùng, đầu tư trọng điểm. Dù đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games nhưng thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD, Olympic chỉ đứng thứ 5 Đông Nam Á. Đơn cử như Singapore, tuy số huy chương tại SEA Games thấp nhưng các VĐV giành HCV SEA Games của họ có thành tích cao tại Olympic. Thể thao Việt Nam khi đi ASIAD, Olympic thì thành tích thua Thailand, Indonesia, Philippines… Lý do là các quốc gia này đã đầu tư mạnh, trọng điểm cho thể thao từ rất lâu. 

Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia nói trên, có thể thấy đã đến lúc thể thao Việt Nam cần một bước chuyển mình mạnh mẽ về chất, hạn chế đầu tư dàn trải mà thay vào đó cần tập trung đầu tư trọng điểm cho một số nội dung thi đấu ASIAD, Olympic mà chúng ta có sở trường và thế mạnh. Dĩ nhiên việc thay đổi như thế sẽ phải cần quá trình và thời gian nhất định chứ không thể có được thành tích cao trong thời gian ngắn, thế nhưng nếu không có giải pháp đầu tư đúng đắn thì việc có được huy chương ở ASIAD hay Olympic sẽ mãi là các mục tiêu xa vời. 

Được biết ở ASIAD sắp tới, thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu từ 3 đến 4 HCV. Nếu có được chiến lược bài bản để đầu tư cho VĐV, mục tiêu ở các đấu trường lớn ấy sẽ có cơ sở để tăng lên và đó chính là một trong những tiêu chí để đánh giá một nền thể thao phát triển căn bản và bền vững.