Tính đến thời điểm hiện tại, Trịnh Văn Vinh trở thành VĐV thứ 6 của thể thao Việt Nam giành vé tham dự Thế vận hội. Trước đó, 5 VĐV đã giành suất dự Olympic 2024 gồm có Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Võ Thị Kim Ánh (quyền Anh).
Trong nhiều năm qua, cử tạ Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế của môn thể thao trọng điểm khi 6 lần liên tiếp có vận động viên giành vé tham dự Olympic. Trong đó đáng chú ý là tấm Huy chương bạc mà VĐV Hoàng Anh Tuấn giành được tại Olympic Bắc Kinh 2008. Đến với đấu trường Olympic, cử tạ là môn thi đấu được mong đợi nhất có thể giành kết quả cao của đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để VĐV Trịnh Văn Vinh vượt qua ngưỡng bản thân và chạm tay vào tấm huy chương Olympic là điều chúng ta phải chuẩn bị kỹ ngay từ lúc này.
Cử tạ có đặc thù riêng là trước thi đấu sẽ phải cân trọng lượng và lực sĩ phải bảo đảm đúng cân nặng mới được đăng ký. Một vấn đề khác vô cùng khắt khe với các VĐV cử tạ là chuyện ăn uống. Để bồi bổ cho các khối cơ săn chắc, họ không được phép nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Những món nước chấm hay mắm gần như bị cấm sử dụng. Không ăn mặn, thiếu muối khiến sức đề kháng cơ thể suy giảm nên họ thường sử dụng thêm một vài loại thuốc bổ trợ, nhưng những ai không cẩn thận có thể vô tình nạp chất cấm vào người và bị cấm thi đấu. Chúng ta chỉ còn hơn 3 tháng để chuẩn bị nên phải có sự đầu tư đặc biệt từ chuyên gia vật lý trị liệu, dinh dưỡng cho đến bác sĩ riêng cho Trịnh Văn Vinh. Được biết đội tuyển cử tạ đang lên kế hoạch để Trịnh Văn Vinh được tập huấn nước ngoài dài ngày trước khi đi Olympic Paris 2024 thi đấu. Có thể đó là chương trình tập huấn tại một quốc gia ở châu Âu nhằm giúp VĐV quen với múi giờ và khí hậu tương tự như tại Pháp. Thời gian không còn nhiều nên việc lên kế hoạch tập luyện cho VĐV cần nhanh, đủ và dứt khoát. Chỉ khi có sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, chúng ta mới có hy vọng có huy chương ở Olympic.