Ở ngã ba đường

Sau những thất bại của bóng đá Việt Nam vào cuối thời kỳ HLV Park Hang-seo, các nhà quản lý bóng đá đã nhận ra nhược điểm của lối chơi phòng ngự phản công vốn không thể giúp bóng đá nước nhà vươn tới những mục tiêu xa hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tuyển Việt Nam chưa hoàn thiện được lối chơi kiểm soát bóng. Ảnh: LÊ MINH
Đội tuyển Việt Nam chưa hoàn thiện được lối chơi kiểm soát bóng. Ảnh: LÊ MINH

Việc HLV Troussier đem tới lối chơi mới đã gieo hy vọng về một bước phát triển nhảy vọt, song thành tích mà lối chơi này mang lại chưa tương xứng và rốt cuộc bóng đá Việt Nam hiện đứng trước câu hỏi nan giải: chúng ta có tiếp tục hoàn thiện lối chơi kiểm soát bóng hay quay về với giải pháp phòng ngự phản công như trước đây?

Để trả lời câu hỏi ấy, cần phải biết Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có kiên định với mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tham dự VCK World Cup hay không trong bối cảnh FIFA đã tăng số lượng đội tham dự lên 48 đội. Nếu vẫn giữ nguyên mục tiêu đã đề ra, có thể thấy lối chơi phòng ngự phản công là không còn phù hợp. Bên cạnh việc ĐTVN thất bại như đã thấy ở vòng loại thứ 3 World Cup dưới thời HLV Park Hang-seo, lối chơi này còn bị các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á “bắt bài” và có giải pháp đối phó hiệu quả. Vấn đề là ở chỗ cần phải làm rõ những nguyên nhân khiến lối chơi kiểm soát bóng không đạt được thành tích như mong muốn.

Thẳng thắn mà nói, giá như các cầu thủ cựu binh như Hoàng Đức, Tiến Linh, Quang Hải vận hành đồng bộ với những cầu thủ trẻ như Đình Bắc, Minh Trọng, Văn Khang, thì hiệu quả của lối chơi kiểm soát bóng sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các cựu binh nói trên đã ít nhiều xuống phong độ, trong khi cầu thủ trẻ có quá ít kinh nghiệm và bản lĩnh dẫn đến lối chơi kiểm soát bóng không phát huy được uy lực. Hay nói cách khác, ở thời điểm hiện tại các cầu thủ Việt Nam chưa đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu chiến thuật của lối chơi mới về kiểm soát bóng.

Khi lối chơi cũ không còn phù hợp, trong khi lối chơi mới vẫn đang chông chênh thì chúng ta phải làm gì? Chúng tôi cho rằng, cần có một giai đoạn chuyển tiếp. Đây sẽ là giai đoạn cần hy sinh thành tích trước mắt để tập trung xây dựng đội tuyển thành một khối thống nhất với sức mạnh hài hòa. Người tiếp quản vị trí của HLV Troussier rất cần hiểu rõ giải pháp này trước khi bắt tay vào những vấn đề chuyên môn của bóng đá Việt Nam.