Tín hiệu tích cực

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu mới nhất cho thấy, lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của khu vực này tăng trưởng bùng nổ, sau khi nền kinh tế từng bước “mở cửa trở lại” nhờ đại dịch Covid-19 dần được khống chế.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Số liệu của Eurostat cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đạt 2%, tăng so mức 1,6% hồi tháng trước và vượt mức 1,9% theo dự đoán của giới phân tích. Đây là lần đầu chỉ số lạm phát của khu vực chạm ngưỡng mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra kể từ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát tăng như trên là do kinh tế khu vực phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh từng bước được khống chế. 

Theo thống kê từ đầu năm đến nay của Eurostat, lạm phát ở Eurozone đã tăng dần theo hướng tích cực. Trong hai tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này chỉ là 0,9%, nhưng sau đó duy trì đà tăng lần lượt lên mức 1,3% và 1,6% trong tháng 3 và tháng 4. Tốc độ tăng lạm phát nói trên phù hợp đà phục hồi kinh tế của toàn khu vực, khi hoạt động kinh doanh của Eurozone tăng trưởng bùng nổ sau một thời kỳ “ngủ đông”. Kết quả khảo sát của hãng IHS Markit mới đây cho thấy, số đơn đặt hàng ở Eurozone tăng cao kỷ lục trong gần 15 năm qua. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) - một trong những chỉ số cho thấy triển vọng của nền kinh tế, tăng từ 53,8 điểm trong tháng 4 lên 56,9 điểm vào tháng 5. 

Lạm phát của Eurozone tăng trở lại là tín hiệu tích cực, bởi trước đó, trong 5 tháng cuối năm 2020, kinh tế khu vực gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” và tăng trưởng lạm phát rơi xuống mức dưới 0%. Chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia ING Charlotte de Montpellier dự báo rằng, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone sẽ tiếp tục tăng ít nhất là trong mùa hè này do nền kinh tế dần trở lại trạng thái “bình thường cũ”.

Tuy nhiên, các chuyên gia của ECB cũng chỉ ra rằng, xu hướng lạm phát gia tăng chỉ là hiện tượng tạm thời và có thể “sẽ biến mất trong 12 tháng tới”. Bởi vậy, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lạm phát ổn định, ECB cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và duy trì chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” thêm một thời gian nữa.