Nỗi đau dai dẳng

Người dân Mỹ lại chấn động sau vụ xả súng kinh hoàng nhằm vào một trường học ở nước này, cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh. Vụ việc một lần nữa cho thấy bạo lực súng đạn vẫn là nỗi đau dai dẳng của “xứ cờ hoa”.

Biếm họa: LUOJIE
Biếm họa: LUOJIE

CNN đưa tin, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu xảy ra ngày 25/5 (giờ Việt Nam) tại Trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ) đã tăng lên con số 21, trong đó có 18 học sinh. Thủ phạm được xác định là Salvador Ramos, 18 tuổi, cựu học sinh của Trường phổ thông trung học Uvalde. Lực lượng an ninh đã tiêu diệt đối tượng tại chỗ. Đây là vụ xả súng tại một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tiến công tại Connecticut hồi năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 trẻ em.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên án vụ xả súng, nhấn mạnh vụ tiến công một lần nữa nhắc nhở giới chức cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tái diễn thảm kịch tương tự. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó. Chẳng cần phải là công dân Mỹ mới hiểu rằng từ lâu nay, bạo lực do súng đạn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 là 61 vụ, cướp đi sinh mạng của 103 người và khiến 140 người bị thương, tăng hơn 50% so năm trước đó. 

Điều đáng nói là tại Mỹ, sự chia rẽ liên quan ban bố những đạo luật chặt chẽ hơn trong kiểm soát súng đạn vẫn rất trầm trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu người dân nước này đấu tranh và gây áp lực đối với các thành viên của Quốc hội, nhằm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn. Dù vậy, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) cũng như phe Cộng hòa vẫn tích cực vận động hành lang nhằm ngăn chặn một đạo luật gây khó khăn cho việc bán súng được ban hành. 

Như theo lời Tổng thống Biden, các nhà sản xuất súng đã dành hai thập kỷ tích cực tiếp thị vũ khí tiến công, thứ mang lại lợi nhuận nhiều nhất và lớn nhất cho họ. Điều đó khiến cho Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Đến nay, nhiều biện pháp quản lý súng đạn đã được ban hành song không đủ sức răn đe và người dân Mỹ tiếp tục phải sống trong nỗi sợ hãi kéo dài.