Cơ hội hàn gắn

Trước cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov mới đây tuyên bố, Moscow sẵn sàng giúp đỡ “lục địa già” vượt qua khó khăn hiện nay. 

Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh, tập đoàn độc quyền khí đốt của Nga Gazprom đang tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn và sẽ tiếp tục hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình, thậm chí còn hơn thế. Quan chức ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng, Ủy ban châu Âu (EC) đã kéo dài các yêu cầu pháp lý đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 1, khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt này chỉ hoạt động ở mức 50% công suất tối đa. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. 

Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ mùa đông năm ngoái, sau khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30% vào tháng 3. Đến mùa xuân, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 diện rộng, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại châu Âu tăng trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu tiếp tục gia tăng trong mùa hè vừa qua khi thời tiết nóng bức khiến người dân sử dụng các hệ thống làm mát nhiều hơn. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là việc Liên hiệp châu Âu (EU) thu hẹp sản xuất điện từ than, buộc các nhà máy điện phải tăng dùng khí đốt trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, thuế khí hậu áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí đốt và điện bán ra ở châu Âu. Giá điện tại EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế “lục địa già”. 

Trong bối cảnh EU đối mặt với mùa đông lạnh giá đang tới gần, lời đề nghị của phía Nga được xem như cam kết hợp tác và cũng là cơ hội hàn gắn mối quan hệ hiện ở tình trạng “đóng băng” do các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ. Nếu chấp nhận giúp đỡ, chắc chắn hai bên đều cùng có lợi và thậm chí điều đó còn mở đường để Nga và EU hóa giải những căng thẳng lâu nay.