Bước lùi của lòng tin

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký ban hành đạo luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), sau khi Mỹ cũng hoàn thành thủ tục rút hỏi Hiệp ước này vào giữa năm ngoái.

Biếm họa của LIU RUI
Biếm họa của LIU RUI

Trước đó, ngày 19-5 vừa qua, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua và đến ngày 2-6, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phê chuẩn dự luật này. OST được ký kết tại thành phố Helsinki (Phần Lan) ngày 24-3-1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Tháng 5-2020, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước và đã hoàn tất ngày 22-11-2020. Tháng 1-2021, Moscow cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước, viện dẫn lý do “thiếu tiến bộ” trong việc duy trì hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.

OST là một trong những giải pháp nhằm chấm dứt nghi kỵ giữa các cường quốc quân sự hậu Chiến tranh lạnh. Trước khi rút khỏi Hiệp ước, Nga cảnh báo quyết định của Mỹ không tái gia nhập OST là “một sai lầm chính trị” và “sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với quá trình xây dựng lòng tin và minh bạch, đồng thời đe dọa an ninh quốc gia Nga”. Trong khi đó, Đức bày tỏ lấy làm tiếc về việc các cường quốc rút khỏi Hiệp ước, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và sẽ tác động tới an ninh khu vực. Đức và nhiều nước châu Âu đều nhấn mạnh cam kết tuân thủ và thực thi đầy đủ hiệp ước.

Động thái đặt bút ký đạo luật rút khỏi OST của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh ông và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao dự kiến được tổ chức vào tuần sau tại Geneva (Thụy Sĩ). Hội nghị lần này nhằm tái thiết lập quan hệ sau một thời gian dài trục trặc, song việc cả hai bên đều rút khỏi OST đã báo hiệu một giai đoạn hợp tác không mấy suôn sẻ sắp tới. Để cải thiện mối quan hệ thì lòng tin cần đặt lên hàng đầu, nhưng sự rạn nứt Nga - Mỹ liên quan OST đã cho thấy bước lùi đáng tiếc không chỉ trong quan hệ hai bên, mà còn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong vấn đề kiểm soát vũ khí.