Bảo tồn nguồn gien bản địa ở Nepal

Thay vì tìm đến các loại cây trồng nhập ngoại như trước đây, ngày càng nhiều nông dân của làng Maramche ở tỉnh Gandaki, miền tây Nepal đang chuyển sang gieo trồng các loại nông sản bản địa, chẳng hạn như giống lúa bản địa thích hợp với độ cao và khí hậu ở địa phương, nhờ đó hạn chế sâu bệnh và dễ thích nghi.
0:00 / 0:00
0:00
Giống lúa bản địa thích nghi với khí hậu địa phương. Ảnh: MONGABAY
Giống lúa bản địa thích nghi với khí hậu địa phương. Ảnh: MONGABAY

Cách đây vài năm, cư dân làng Maramche vẫn ưa chuộng các giống lúa ngắn ngày và cho năng suất cao. Nhiều loại cây trồng mới cũng đã được du nhập vào địa phương, nhưng chúng dễ bị sâu bệnh và đòi hỏi người nông dân phải dày công chăm sóc, phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Tuy nhiên, từ sau khi được tập huấn tại Hiệp hội Ngân hàng hạt giống cộng đồng quốc gia của Nepal tại Kathmandu, ông Krishna Adhikari, hiện là Chủ tịch Ngân hàng Hạt giống cộng đồng Maramche, đã hiểu được tầm quan trọng của hạt giống và cây trồng bản địa, do vậy quyết định tham gia phong trào này.

Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những giống cây trồng bản địa có khả năng chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh. Đồng thời, việc bảo tồn nguồn gien của địa phương còn giúp phát triển các giống mới chống chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nông sản địa phương cũng có thể cho năng suất cao nếu được chăm sóc và bảo vệ đúng cách, nên hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về an ninh lương thực của từng vùng miền.

Với lý do trên, Ngân hàng Hạt giống cộng đồng Maramche được thành lập vào năm 2020, đã bảo tồn được 12 giống cây trồng địa phương, bao gồm các loại lúa, dưa chuột và ngô. Ông Adhikari cho biết: “Chúng tôi đã hiểu tầm quan trọng của việc lưu giữ gien cây trồng có nguồn gốc ở địa phương cho các thế hệ sau và vì thế ngày càng nhiều người quay trở lại với các giống bản địa”.

Trong số các loại cây trồng, ông Adhikari đặc biệt tự hào về giống lúa chịu rét của làng Maramche. Đây là giống lúa có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh hơn so các giống lúa du nhập khác. Ở Maramche, các loài lúa bản địa có thể chịu được thời tiết lạnh và độ ẩm cao vào mùa đông. Theo tạp chí về môi trường Mongabay, việc bảo tồn các nguồn gien còn rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu vì đây là “ngân hàng sinh học” lưu trữ được những gien quý có thể phục vụ cho việc lai tạo giống mới thích ứng với thay đổi của khí hậu.

Ông Adhikari nhớ lại: “Trước đây, dân làng thường mua hạt giống ở chợ với giá khá đắt đỏ. Dù vậy, nhiều khi họ trồng hạt củ cải nhưng lại không cho củ, hoặc rau ăn lá thì bị sâu hại nặng nề. Có khi thì một loại cây khác nảy mầm và mẫu mã không đẹp như quảng cáo”. Theo các nhà nông nghiệp, tình trạng hạt giống không nảy mầm có thể xảy ra do hơn 90% hạt giống rau được sử dụng ở Nepal là hạt nhập khẩu; gần 30% hạt ngô và 15% giống lúa cũng có nguồn gốc từ các nước khác. Các loại rau và cây trồng truyền thống ở Nepal đã dần mất đi khi nông dân chuyển sang sử dụng hạt giống cải tiến. Điều này đe dọa một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc ngày càng hiếm gặp.

Chính vì vậy, việc thành lập ngân hàng hạt giống không chỉ bảo vệ các loại cây trồng địa phương, mà còn là địa chỉ cung cấp hạt giống do chính những người nông dân đóng góp và gieo trồng từ mùa này qua mùa khác. Ngân hàng Hạt giống cộng đồng Maramche cũng tham gia các chương trình trao đổi hạt giống thường xuyên với các đối tác trong nước, qua đó làm đa dạng nguồn cung của mình.

Theo Trung tâm Phát triển cây trồng và bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp của Chính phủ Nepal, hiện có 53 tổ chức hoạt động theo hình thức là ngân hàng hạt giống do cộng đồng điều hành trên khắp Nepal. Chuyên gia nông nghiệp Shrestha cho biết, một ngân hàng hạt giống điển hình bao gồm các thành viên sử dụng hạt giống địa phương để trồng trọt hằng năm và lưu giữ nguồn hạt này cho mình và các thành viên khác. Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng Hạt giống Nepal cũng triển khai một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thông qua đó, nông dân ở nhiều vùng khác nhau có thể trao đổi thông tin về các loại hạt giống bản địa, nhờ đó duy trì cộng đồng này luôn luôn hoạt động và liên lạc chặt chẽ với nhau trên khắp cả nước.