Bàn chuyện nghỉ Tết

Bữa trưa công sở hôm nay, cánh chị em râm ran bàn chuyện… nghỉ Tết. Vừa Tết Trung thu xong, lại tính chuyện Tết Nguyên đán.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng có lý do, là bởi Bộ Tài chính vừa góp ý về phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023 với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính chọn phương án 9 ngày thay vì 7 ngày như các Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải. Theo cơ quan này, nghỉ từ 30 tháng Chạp đến hết mồng 8 tháng Giêng (21-29/1/2023) vừa đúng quy định pháp luật, hài hòa, tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình.

Cũng cần nói thêm, cách đây khoảng nửa tháng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công khai lấy ý kiến về phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023. Có ba phương án được đưa ra: 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến hết mồng 5 tháng Giêng); 8 ngày (từ 28 tháng Chạp đến hết mồng 5 tháng Giêng, làm bù thứ bảy) và 9 ngày (từ 30 tháng Chạp đến hết mồng 8 tháng Giêng). Trong số 16 cơ quan, bộ, ngành được lấy ý kiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án mới nghỉ 8 ngày. Theo đó, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mồng 5 tháng Giêng (19-26/1/2023), đi làm trở lại vào mồng 6 và làm bù thứ bảy (28/1/2023).

Chưa rõ rồi đây sẽ chốt phương án nào. Nhưng cánh chị em công sở đa phần đều thích nghỉ Tết sớm. Đó cũng là mong muốn của nhiều người lao động, làm ăn quanh năm xa quê, xa gia đình. Cuối năm, ai cũng mong muốn được nghỉ sớm, tranh thủ đi sắm Tết, rồi về quê sớm buổi nào hay buổi đó.

Ai cũng biết, vào những ngày cuối năm, tâm trạng xốn xang nên nhiều người cũng khó tập trung cho công việc. Việc tranh thủ bớt chút thời gian công sở đi mua sắm, đi chợ Tết vẫn thường diễn ra. Trong khi đó, đường sá những ngày cuối năm cũng thường xuyên đông. Giao thông tại các cửa ngõ thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn xuất hiện ùn ứ, tắc đường. Cảng hàng không những ngày áp Tết cũng luôn cảnh đông đúc… Chính bởi thế, nghỉ Tết sớm rồi đi làm sớm, là phương án nhiều người đang mong chờ.

Một số chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, nên để công nhân, người lao động nghỉ Tết sớm từ ngày 28 tháng Chạp. Bởi đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, ai cũng có tâm lý muốn về quê đón Tết. Ngoài ra, người Việt cũng luôn coi trọng thời gian trước giao thừa, về sửa soạn nhà cửa, mua sắm Tết, gói bánh chưng... Nghỉ muộn sẽ gây áp lực lớn cho giao thông vận tải, giá vé tàu, xe, máy bay tăng cao, thậm chí nhiều lao động không kịp về quê đón giao thừa.

Sau ba ngày Tết, nhiều người lại xuất hiện tâm lý “được trở lại thành phố”, “được đi làm”… Cũng có ý kiến tránh để kỳ nghỉ sau Tết quá dài, ảnh hưởng tới tiến độ công việc cũng như phát sinh những vấn đề xã hội khác.