Bản án chưa thích đáng

Một tòa án tại Indonesia mới đây tuyên phạt tù đối với bốn bị cáo, là các cựu lãnh đạo Công ty dược phẩm Afi Farma - đơn vị sản xuất siro ho liên quan cái chết của hơn 200 trẻ em hồi năm ngoái. Vụ việc nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thế giới bởi những nạn nhân đều là trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Siro ho nhiễm độc của Afi Farma khiến nhiều trẻ em tử vong. Ảnh: AFP
Siro ho nhiễm độc của Afi Farma khiến nhiều trẻ em tử vong. Ảnh: AFP

Reuters cho biết, ngày 1/11 vừa qua, Tòa án thành phố Kediri, tỉnh Đông Java, đã tuyên phạt hai năm tù với các bị cáo, trong đó có Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Afi Farma là Arief Prasetya Harahap. Các bị cáo cũng bị yêu cầu số tiền bồi thường khoảng 65.000 USD cho mỗi nạn nhân thiệt mạng. Theo cáo trạng, Công ty dược phẩm Afi Farma bị cáo buộc sản xuất siro ho có chứa hàm lượng chất độc hại cao quá mức cho phép.

Các công tố viên cho rằng, Afi Farma đã “cố ý” không kiểm tra các thành phần nguyên liệu chế dược do nhà cung cấp gửi đến, mặc dù họ có đủ phương tiện và trách nhiệm để làm điều đó. Hãng dược này chỉ dựa vào các chứng chỉ chất lượng và an toàn sản phẩm do phía nhà cung cấp đưa ra trên giấy tờ. Phía Afi Farma đang phủ nhận sơ suất và xem xét khả năng kháng cáo.

Trước đó, giữa tháng 10 vừa qua, các công tố viên Indonesia đã công bố kết luận điều tra các vụ trẻ em tử vong sau khi sử dụng siro ho, theo đó Công ty dược phẩm Afi Farma đã sử dụng các thành phần có độc tố ethylene glycol cực cao để sản xuất 70 lô sản phẩm loại siro này. Cụ thể, kết quả xét nghiệm thực hiện hồi năm ngoái cho thấy, hai lô hợp chất propylene glycol mà Afi Farma đã đặt hàng từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 và sử dụng trong sản xuất thuốc siro ho chứa 96-99% chất ethylene glycol.

Trước tình hình đó, nhà chức trách đã thu hồi giấy phép sản xuất thuốc của Afi Farma, cũng như các sản phẩm của công ty này do vi phạm các quy định về sản xuất. Sau khi mở rộng điều tra, Indonesia đã tạm thời cấm bán một số thuốc dạng siro sau khi xác định ethylene glycol có trong thành phần thuốc. Đây là hợp chất được sử dụng làm nguyên liệu thô trong sản xuất sợi polyester, hay được dùng như chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp, song đồng thời cũng là một chất thay thế giá rẻ hơn cho glycerine - một dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giới hạn an toàn đối với chất ethylene glycol là không quá 0,1%. Bộ Y tế Indonesia cũng áp dụng mức giới hạn này trong văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng thuốc ban hành năm 2020.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh toàn thế giới đang thắt chặt giám sát chuỗi cung ứng thuốc sau hàng loạt các vụ ngộ độc. Nhiều người dân Indonesia tỏ ra bất bình và cho rằng bản án hai năm tù cho mỗi bị cáo là chưa thích đáng. Vụ án này cũng nhận được sự quan tâm của dư luận thế giới bởi hầu hết nạn nhân đều là trẻ em dưới 5 tuổi. Các công tố viên của “quốc gia vạn đảo” đang yêu cầu mức án lên tới chín năm tù đối với CEO của Afi Farma và bảy năm tù đối với các bị cáo khác.

Sau vụ việc của Afi Farma, giới chức Indonesia đã mở rộng điều tra, và thu hồi giấy phép của ba công ty. Đây là những doanh nghiệp đã nhập khẩu và phân phối nguyên liệu thô cho nhà sản xuất thuốc siro ho bị phát hiện có chứa hóa chất công nghiệp độc hại đối với sức khỏe trẻ em. Cảnh sát đã bắt giữ và đưa ra cáo buộc đối với tám cá nhân thuộc các công ty này.

BBC cho biết, thời gian gần đây, siro ho nhiễm độc đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Ngoài Indonesia, năm ngoái, các nước như Gambia, Uzbekistan cũng ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc. WHO mới đây đã đưa ra cảnh báo về các loại siro ho sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia, đồng thời đang hợp tác với các quốc gia liên quan để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho này.